Theo đó, đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các cá nhân trên địa bàn tỉnh tập trung đất đai để tổ chức sản xuất rau, củ, quả thực phẩm an toàn tập trung ở vụ Đông năm 2021 có liên kết bao tiêu sản phẩm để tiêu thụ trong nước và làm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các hộ gia đình tổ chức sản xuất lúa chất lượng thành vùng hàng hóa tập trung ở vụ Đông Xuân năm 2021-2022.
Các cây trồng được hỗ trợ, bao gồm các loại rau củ quả thực phẩm triển khai ở vụ Đông năm 2021 và lúa chất lượng ở vụ Đông Xuân năm 2021-2022 (TBR225, BC15, VNR20, Bắc Thơm Số 7, Đài Thơm 8, TH8...).
Đối với vùng phát triển các loại rau củ quả thực phẩm, tỉnh thực hiện hỗ trợ 20% chi phí (tương đương 15 triệu/ha/vụ) để mua vật tư như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu/mô hình. Đối với lúa chất lượng hỗ trợ 50% kinh phí mua giống lúa chất lượng với giá thành khoảng 20.000 đồng/kg.
Nguồn hỗ trợ từ kinh phí chuyển nguồn hỗ trợ chuỗi liên kết theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT theo Quyết định số 1176/QĐ-UBND, ngày 17/12/2020.
Điều kiện hỗ trợ, đối với cây rau, củ, quả thực phẩm diện tích vùng tập trung tối thiểu 5 ha trở lên, liên vùng và khu sản xuất, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã; sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Đối với vùng sản xuất lúa chất lượng diện tích sản xuất tập trung có quy mô từ 10 ha trở lên, riêng các huyện miền núi như: Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế có quy mô từ 5 ha trở lên.
UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng dự toán kinh phí; tham mưu, tổ chức triển khai kế hoạch tới các huyện, thành phố. Phối hợp với các huyện, thành phố lựa chọn chủng loại giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương; tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định; chủ động điều chỉnh dự kiến phân bổ kế hoạch hỗ trợ đối với các địa phương không thực hiện hết để đảm bảo triển khai hoàn thành kế hoạch theo đúng tiến độ.
Việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, xuất khẩu vụ Đông Xuân 2021-2022 nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực triển khai tích tụ đất đai, đầu từ vào sản xuất thành vùng hàng hóa tập trung, có liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, giảm bớt khó khăn cho nông dân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2022.
Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang - Tổng hợp