Dự Diễn đàn có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Hải Dương, Lào Cai và TP Hà Nội.
Đến dự Diễn đàn còn có ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế thương mại, đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; Đàm Văn Cát, Phó thị trưởng thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây; Cù Quốc Đường, Phó tuần thị viên, hàm Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); đại diện các cơ quan, ban ngành thị Bằng Tường.
Phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ và các ban ngành tỉnh; UBND các huyện, TP.
Báo cáo về tình hình sản xuất vải thiều và các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, Bắc Giang là vùng đất cổ, có lịch sử hào hùng, trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất Bắc Giang đã để lại cho hậu thế nhiều giá trị văn hóa quý báu.
Hiện Bắc Giang sở hữu nền trầm tích văn hóa giàu có với hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo và phong phú. Điều này rất phù hợp để Bắc Giang phát triển du lịch.
Về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, theo đồng chí Dương Văn Thái, Bắc Giang được thiên nhiên ưu đãi có địa hình đa dạng, đặc thù vùng núi, đồi thấp, đồng bằng. Khí hậu bốn mùa đặc trưng của miền Bắc.
Đất đai được bồi đắp phù sa của ba dòng sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất cây trồng, chăn nuôi tập trung; tạo ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích gần 50 nghìn ha, chiếm gần 30% tổng diện tích cây ăn quả của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và trở thành “thủ phủ” trái cây ở miền Bắc Việt Nam. Trong đó, vải thiều là cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bắc Giang với diện tích hơn 28 nghìn ha, lớn nhất cả nước, sản lượng hằng năm đạt trên 150 ngàn tấn/năm.
Diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được mở rộng, hướng tới đạt 100% diện tích. Quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Camphuchia). Mỗi năm, có khoảng gần 50% sản lượng vải thiều của tỉnh được xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2018 vải thiều Bắc Giang được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á xác nhận nằm trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị Kỷ lục của khu vực Đông Nam Á.
Đồng chí Dương văn Thái nói: “Phát huy kết quả của nhiều năm qua, với những bài học kinh nghiệm từ thực tế; ngay sau khi kết thúc mùa vụ vải thiều năm 2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đánh giá từng nội dung, tập trung khắc phục những tồn tại. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình hợp tác, nhân rộng mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết chuỗi giá trị”.
Được biết, đầu năm 2019, có thời điểm thời tiết không thuận lợi nhưng các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chăm sóc kỹ, đúng quy trình canh tác, do đó chất lượng vải thiều tốt nhất trong những năm vừa qua, quả vải thiều to, đỏ tươi, đẹp hơn, không có sâu đục cuống.
Diện tích trồng vải thiều năm 2019 của tỉnh Bắc Giang duy trì hơn 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 13,855 nghìn ha, sản xuất theo tiêu chuẩn Globalgap là 218 ha - được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, tập trung tại huyện Lục Ngạn.
Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 25-5; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 5-6 đến ngày 5-7-2019.
Phát huy kinh nghiệm của những năm trước, tỉnh Bắc Giang đã chủ động công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều với phương châm: Luôn coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng.
Năm 2019, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 75 nghìn tấn, chiếm 50%; xuất khẩu 75 nghìn tấn, chiếm 50%. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2019, phân công nhiệm vụ cụ thể để các ngành, các địa phương làm căn cứ, chủ động thực hiện từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều.
Theo chương trình, tại Diễn đàn đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ có ý kiến chỉ đạo và nhiều tham luận của đại diện phía Trung Quốc cùng các doanh nghiệp, doanh nhân trong và nước xung quanh việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang. Báo Bắc Giang điện tử sẽ tiếp tục cập nhật.