Theo Công văn, để thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân rên địa bàn; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cụ thể như sau:
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ các điều kiện an toàn cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản, trong đó làm tốt công tác xét nghiệm, khử khuẩn, chứng nhận (sản phẩm, xe hàng, chủ hàng, người vận chuyển, các tình nguyện viên thu mua, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh...) để đảm bảo hàng nông sản của tỉnh đủ điều kiện lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân và phương tiện của các tỉnh ngoài được vào thu mua nông sản cho nông dân, nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định và có kiểm soát chặt chẽ của ngành y tế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh của địa phương tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản, nhu yếu phẩm phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân lưu thông trên địa bàn và ra tỉnh ngoài sau khi được phun khử khuẩn và đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định; thống kê các doanh nghiệp, tư thương, đầu mối thu mua, sản xuất nông sản trên địa bàn (cụ thể đơn vị thu mua, địa chỉ, người liên hệ, số điện thoại, tên sản phẩm, hàng hóa, phương tiện, số lượng cần hỗ trợ tiêu thụ…) tổng hợp gửi về Sở Công Thương, Sở Y tế để hỗ trợ kết nối tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi để các lao động và các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy thu hoạch, máy làm đất (được phép hoạt động khi đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch theo quy định) để thu hoạch nông sản vụ Xuân để triển khai kế hoạch vụ Mùa đảm bảo theo đúng khung thời vụ. chỉ đạo, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất thường xuyên kết nối với Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Sở Nông nghiệp và PTNT và của các địa phương để đưa nông sản đến các địa phương để tiêu thụ thuận lợi và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản; mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tư thương đến tiêu thụ nông sản; kết nối, kêu gọi các Tập đoàn bán lẻ, các sàn giao dịch điện tử, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố,… tham gia tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh như: Sử dụng bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, phun khử khuẩn các dụng cụ lao động; giới thiệu các cơ sở đóng gói được xác nhận an toàn dịch bệnh Covid-19. Thực hiện cơ cấu lại việc tái đàn trong chăn nuôi một cách hợp lý. Đối với một số vật nuôi như thủy sản, gà, lợn chỉ đạo tiếp tục đầu tư kéo dài thời gian nuôi giữ, đối với cây trồng có thể kéo dài thời gian chăm sóc, thu hái, bảo quản trên cây để giảm áp lực tiêu thụ.
Các cơ quan thông tin truyền thông: Đẩy mạnh thông tin, giới thiệu quảng bá các nông sản của Bắc Giang, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các giải pháp nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết tổ chức thực hiện và các doanh nghiệp, tư thương được biết, tin tưởng sử dụng, tiêu thụ./.
Trung tâm KC&XTTM