Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

BÁO CÁO Tình hình sản xuất và các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2017  

Vải thiều Bắc Giang ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò, là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh và nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, trong việc hỗ trợ nhân dân sản xuất và tiêu thụ vải thiều; người dân đã quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do vậy, năng suất, chất lượng quả vải thiều ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá bán ổn định.
BÁO CÁO Tình hình sản xuất và các giải pháp chủ yếu  đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2017

Mùa vụ vải thiều năm 2016, tuy giảm về sản lượng (do chuyển đổi cơ cấu cây trồng), nhưng giá bán được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay. Tổng sản lượng vải thiều đã thu hoạch, tiêu thụ là 142.315 tấn. Thị trường tiêu thụ nội địa đạt trên 71.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng (thị trường phía Nam tiêu thụ trên 40.000 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa). Thị trường xuất khẩu chiếm 50%, đạt trên 71.000 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 57.000 tấn (chiếm 81% tổng sản lượng xuất khẩu); các thị trường Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… đạt 14.000 tấn (chiếm 19% tổng sản lượng xuất khẩu).

 

1. Tình hình sản xuất vải thiều năm 2017

 

- Cuối năm 2016, đầu năm 2017 có những biến động lớn về khí hậu, thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến sự xáo trộn về sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều. Trước tình hình diễn biến thời tiết thất thường, không thuận lợi cho mùa vụ năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, tìm hiểu thực tế, tìm nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều; đồng thời tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap để nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

- Năm 2017, vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016. Diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì gần 30.000 ha. Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 26.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 24.000 ha, sản lượng khoảng 74.000 tấn, bằng  60% so với năm 2016. Sản lượng vải thiều Vietgap đạt khoảng 40.000 tấn, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn Globalgap khoảng 1.600 tấn. Có 218 ha vải thiều được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, tập trung tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao. Qua khảo sát ban đầu lượng đường và các loại vitamin trong quả vải thiều năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 20/5 đến ngày 15/6; vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 15/6 đến ngày 15/7.

 

- Cơ bản các huyện đã triển khai ứng dụng các công nghệ trong việc bảo quản vải thiều, phấn đấu kéo dài thời gian bảo quản quả vải thiều tươi; từng bước hạn chế tính mùa vụ, để phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường nước ngoài.

2. Thị trường tiêu thụ vải thiều

 

- Tỉnh Bắc Giang tiếp tục chú trọng phát triển thị trường truyền thống cả ở nội địa và xuất khẩu; khai thông các thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, các địa phương để chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều.

 

- Đối với thị trường nội địa, tỉnh Bắc Giang xác định, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Happro, BigC, các chợ đầu mối hoa quả ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới có tiềm năng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

 

- Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi xuất khẩu tiêu thụ ở thị trường này. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường xuất khẩu khác: Trung đông, Thái Lan, Canada… Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Úc, EU… một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vải thiều như Công ty TNHH Thanh Bình Jeune (Pháp), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), Công ty Ánh Dương Sao, Công ty Liên doanh xuất nhập khẩu Teanda (TP.HCM) đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, EU... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đang xúc tiến, tiếp cận thị trường Trung Đông, Canada và Thái Lan. 

 

- Năm 2017, dự kiến tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 50.000 tấn, chiếm 50%; xuất khẩu khoảng 50.000 tấn, chiếm 50%.

 

3. Công tác xúc tiến thương mại

 

- UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm vải thiều, đặc biệt là vải thiều an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap với khách hàng trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, thay bằng tổ chức 4 hội nghị xúc tiến tại tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh như mọi năm, thành một hội nghị có quy mô lớn hơn tại thành phố Bắc Giang. Đây là dịp để bạn hàng, thương nhân trong và ngoài nước trực tiếp đến thăm vùng cây ăn quả “Thủ phủ vải thiều của Việt Nam” đang được sản xuất với quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap và Globalgap; cảm nhận rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang đang trên đà phát triển. Ngoài hội nghị tại địa phương, tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Trung Quốc tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường; tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội với quy mô lớn hơn, nhằm mở rộng kênh tiêu thụ thông qua các siêu thị lớn, uy tín để cung cấp ra thị trường quả vải chất lượng cao.

 

- Được sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, đầu tháng 5/2017 đã tạo điều kiện, tổ chức cho đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Giang đi xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đưa các sản phẩm nông sản nói chung, vải thiều nói riêng của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ và Canada; đồng thời, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chuẩn bị tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc. Đến nay đang có những tín hiệu rất khả quan cho việc xuất khẩu vải thiều.

 

- Tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả. Đưa quả vải thiều vào hệ thống phân phối bán lẻ của các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, BigC, Aeon... và các chợ đầu mối hoa quả của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó tạo dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó với đối tác khách hàng Trung Quốc tạo tính ổn định, bền vững trong việc sản xuất tiêu thụ vải thiều.

 

4. Những thuận lợi, khó khăn

 

4.1. Thuận lợi

 

- Sản xuất, tiêu thụ vải thiều tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ; sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố bạn; sự chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các sở, ngành, UBND các huyện, giữa người sản xuất và các  doanh nghiệp, thương nhân; đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.

 

- Có sự chuẩn bị kỹ ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình, tổ chức sản xuất theo các hình thức tiên tiến, đảm bảo sản xuất quả vải thiều sạch, an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn Vietgap và Globalgap; chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác, kết nối giữa doanh nghiệp với người nông dân.

 

- Chủ động công tác truyền thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực hợp tác với các cơ quan truyền thông trong việc thông tin khách quan, kịp thời, cập nhật tin tức, quảng bá vải thiều, giúp cho việc tiêu thụ vải thiều được thuận lợi.

 

- Công tác xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng chủ động kết nối các doanh nghiệp với các hộ, hợp tác xã sản xuất vải thiều. Đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khảo sát thực địa vùng sản xuất vải thiều để đàm phán, hợp đồng nguyên tắc bao tiêu với các hộ, hợp tác xã trồng vải thiều.

 

- Hệ thống đường giao thông đi các tỉnh, thành phố khá hoàn thiện; công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông được các cơ quan chức năng, các địa phương chủ động phối hợp chuẩn bị các phương án sẵn sàng phục vụ mùa thu hoạch vải thiều.

 

- Các dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều đã có sự chuẩn bị sớm như: nguồn vốn tín dụng, nguồn điện sản xuất cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, kho bãi, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nguồn nhân lực...

 

4.2. Khó khăn, thách thức

 

- Cây vải thiều rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là khi giao mùa, dễ phát lộc hoặc xen lẫn phát lộc và ra hoa. Năm 2017, do thời tiết không thuận lợi, việc chăm sóc vải thiều gặp rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả đến thu hoạch. Một số hộ đã chuyển sang trồng cây ăn quả khác.

 

- Vải thiều có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ trong vòng hơn 1,5 tháng, song đến nay vẫn chưa có giải pháp tối ưu bảo quản trong thời gian dài, công nghệ bảo quản chủ yếu là ướp lạnh tạm thời.

 

- Triển khai mô hình hợp tác xã sản xuất tập trung còn manh mún, thiếu tính liên kết giữa doanh nghiệp với hộ dân trồng vải thiều, dẫn đến việc bị động về giá cả và hiện tượng tranh mua, tranh bán khi có biến động của thị trường.

 

- Trên địa bàn tỉnh thiếu các doanh nghiệp có tiềm lực, khả năng xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, khó tính; cơ sở hạ tầng, giao thông ở các xã, huyện chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Công tác xúc tiến thương mại phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý nhà nước, chưa có các hiệp hội, doanh nghiệp tự tổ chức xúc tiến, kết nối tiêu thụ vải thiều.

 

5. Một số giải pháp chủ yếu tiêu thụ vải thiều năm 2017

 

Để công tác tiêu thụ vải thiều năm 2017 được thuận lợi, phấn đấu mục tiêu "giảm sản lượng, nhưng không giảm giá trị sản xuất", UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, UBND huyện, thành phố tập trung vào một số giải pháp chính như sau:

 

- Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước. Để có giải pháp tích cực, linh hoạt trong quá trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều.

 

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm vải thiều trên các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương. Tổ chức đoàn công tác của tỉnh đến làm việc với các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai, tỉnh Lạng Sơn, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội để bàn các biện pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.

 

- Tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa thương nhân tiêu thụ vải thiều của tỉnh với hiệp hội các nhà bán lẻ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các siêu thị, chợ đầu mối như: BigC, Co.opmart, Hapro, Aeon, Chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Dương, Chợ đầu mối Long Biên...

 

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là nguồn vốn cho lưu thông và nguồn điện cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, các dịch vụ hỗ trợ cho thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

 

- Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên các tuyến đường, không để xảy ra ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nhập cảnh vào địa phương tiếp cận nghiên cứu thị trường, thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều. 

 

- Tăng cường công tác quản lý thị trường nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất, thu mua, chế biến vải thiều, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

- Mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ. Lựa chọn hợp tác xã, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu có kinh nghiệm, thế mạnh trong xuất khẩu nông sản để tập trung cho xuất khẩu vải thiều.

 

6. Những đề xuất, kiến nghị

 

6.1. Đề nghị các cơ quan thông tin truyền thông:

 

- Tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang trong công tác thông tin xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin, truyền tải về thông điệp của tỉnh Bắc Giang đến với các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh, tiêu thụ vải thiều về: Chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân đến Bắc Giang đầu tư, kinh doanh, thu mua, tiêu thụ vải thiều.

 

- Tăng cường thời lượng, tin bài, phóng sự để tuyên truyền, quảng bá về vải thiều Bắc Giang; phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan và kịp thời về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều; tránh đưa những thông tin thất thiệt, tiêu cực, không mang tính đại diện, ảnh hưởng đến lợi ích của người trồng vải thiều và các doanh nghiệp.

 

6.2. Đề nghị Bộ Công Thương.

 

- Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tích cực hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ vải thiều; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thu mua, tiêu thụ vải thiều. Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kết nối với các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu để xuất khẩu vải thiều vào các thị trường mới, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu vải thiều thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia trên thế giới.

 

- Hỗ trợ thông tin, dự báo nhu cầu tiêu thụ vải thiều tại thị trường nước ngoài; tuyên truyền rộng rãi các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng thị trường. Trên cơ sở đó có khuyến cáo, định hướng sản xuất và sản lượng vải thiều xuất khẩu.

 

- Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc ngày 08/6/2017.

 

6.3. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các chuyên gia nghiên cứu đánh giá về tình hình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp nói chung, vải thiều nói riêng. Trên cơ sở đó, có giải pháp chiến lược lâu dài, tránh tình trạng mất mùa vải thiều như năm 2017.

 

- Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đào tạo nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất, xây dựng các liên kết chuỗi trong sản xuất nói chung và sản xuất tiêu thụ vải thiều nói riêng. Hỗ trợ thực hiện các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch để quả vải thiều của Bắc Giang đạt chất lượng cao nhất.

 

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục như kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm đảm bảo thông thoáng và thuận lợi nhất để hỗ trợ xuất khẩu vải thiều; tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường và đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu quả vải thiều tươi với một số thị trường như: Mỹ, Úc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

6.4. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại bảo quản, chế biến vải thiều, đảm bảo kéo dài thời gian để xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng.

 

6.5. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an: Tạo điều kiện và cho phép áp dụng các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với vận chuyển vải thiều, hạn chế dừng đỗ, kiểm tra, kiểm soát; tránh tình trạng ùn tắc, gây bất lợi về giá cả và chất lượng quả vải thiều. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho các thương nhân nước ngoài tham gia tiêu thụ vải thiều.

 

6.6. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bạn

 

- Phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thông tin, quảng bá tiêu thụ vải thiều trên báo, đài và các phương tiện tuyền thông của địa phương. Thông tin, tuyên truyền về thông điệp của tỉnh Bắc Giang đến với các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh, tiêu thụ vải thiều.

 

- Phối hợp thu thập và cung cấp các thông tin cho tỉnh Bắc Giang về tình hình diễn biến thị trường, về số lượng hàng bán, giá cả, các thuận lợi, khó khăn, khuyến cáo, dự báo nhu cầu sản lượng tiêu thụ cho từng thị trường, từng thời điểm để chủ động trong việc điều tiết sản lượng.

 

- Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển, xuất khẩu vải thiều. Linh hoạt trong việc chỉ đạo, điều hành một số hoạt động tại các cửa khẩu: Ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển vải thiều; tạo điều kiện về kho, bãi, ưu tiên thông quan trước đối với vải thiều, rút ngắn tối đa thời gian thông quan và cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ để việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc nhanh chóng, kịp thời. Chủ động phối hợp, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc mở rộng các điểm thông quan xuất khẩu đối với vải thiều. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy thông hành cho các thương nhân đi lại qua cửa khẩu trong mùa vụ vải thiều. Phối hợp với phía Trung Quốc vận dụng các cơ chế, chính sách biên mậu linh hoạt để giúp các thương nhân thuận lợi trong việc đi lại qua cửa khẩu và các thủ tục kiểm soát, vận chuyển, sang xe...

 

- Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện đưa sản phẩm vải thiều vào các siêu thị, chợ đầu mối nông sản lớn.

 

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân trong việc tìm đối tác và tiêu thụ vải thiều; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, lưu thông, vận chuyển, bến đỗ, bảo quản, vệ sinh môi trường.

 

6.7. Đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân, các siêu thị, chợ đầu mối: Tiếp tục kết nối, bàn bạc, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều nhằm tạo liên kết bền vững giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ.

 

Trên đây là Báo cáo tình hình sản xuất và các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2017. Tỉnh Bắc Giang rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn và các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều trong và ngoài nước./.

 

Báo cáo do UBND tỉnh ký ngày 24/5/2017

 BC vải thiều 2017.PDF
3300 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21791716
Lượt truy cập