Đ/c Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương,Trưởng Ban giám khảo báo cáo kết quả bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2019
Sau 10 năm triển khai, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều nội dung hoạt động đa dạng để nâng cao công tác tổ chức bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang như: Tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến quy định về hoạt động khuyến công, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu… cho đối tượng học viên là các cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng/Kinh tế các huyện, thành phố, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn; đồng thời, duy trì hoạt động 02 trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại; xuất bản được1.800 bản tin khuyến công, 3.000 catalog giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng được trên 800 chương trình truyền hình, tin bài, ấn phẩm tuyên truyền về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu tại địa phương đã được bình chọn, Sở Công Thương đã thực hiện được 19 đề án khuyến công để hỗ trợ các cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Tổ chức tham gia 9 hội chợ, triển lãm hàng CNNT tiêu biểu, hàng thủ công mỹ nghệ nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đến các địa phương, doanh nghiệp; hỗ trợ cho trên 350 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở CNNT tham gia trực tiếp hoặc có sản phẩm tham gia tại các hội chợ trong nước nhằm quảng bá, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức 5 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; tham gia 4 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 4 cuộc cấp quốc gia; thông qua các cuộc bình chọn đã 160 cơ sở CNNT đăng ký tham gia, số lượng sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn là 172 sản phẩm, qua đó, tôn vinh được 85 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 12 sản phẩm cấp khu vực và 08 sản phẩm cấp quốc gia. Hỗ trợ được 4 cơ sở CNNT đầu tư xây dựng nhà trưng bày giới thiệu các sản phẩm: Bánh đa Kế, mỳ gạo Chũ, gà đồi Yên Thế, gốm làng Ngòi.
Qua đánh giá, công tác tổ chức bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang được thực hiện theo đúng quy trình, hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia bình chọn được chuẩn hóa, toàn bộ là hồ sơ điện tử cập nhật trên phần mềm; đồng thời, thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển được các làng nghề, ngành nghề có tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Mỳ gạo, rượu, mộc, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ... Tại mỗi kỳ bình chọn, với việc thành lập Hội đồng, Ban Giám khảo có nhiều đổi mới, thành viên tham gia đại diện từ các các sở, ngành là các chuyên gia có kinh nghiệm về các nhóm, lĩnh vực sản phẩm đăng ký bình chọn. Qua đó, việc đánh giá bình chọn sản phẩm được xem xét trên nhiều góc độ, đảm bảo công bằng, khách quan, thực hiện theo các tiêu chí quy định; việc triển khai công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tiêu biểu đã thu hút, khuyến khích, động viên được các cơ sở sản xuất tích cực hưởng ứng tham gia và không ngừng phát triển, giữ vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng, phát triển quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một số địa phương chưa hiểu được ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nên chưa tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, số lượng sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh còn ít hoặc không có sản phẩm đăng ký. Xuất phát điểm hoạt động quy mô nhỏ lẻ nên cơ sở CNNT của tỉnh còn nhiều hạn chế về hồ sơ pháp lý, đáp ứng điều kiện sản xuất hoặc ngại tham gia đăng ký bình chọn dẫn đến số sản phẩm chưa tương xứng với số cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Mặt khác, Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có giá trị từ ngày được cấp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm thứ tư (năm thứ nhất là năm cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận). Do đó, cơ sở CNNT muốn in hoặc dán nhãn Logo của Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm được công nhận còn gặp nhiều hạn chế vì sau thời gian đó sẽ không được sử dụng nữa; đồng thời, cơ sở không có nhiều thời gian để khuếch trương, phát triển sản xuất và thương mại các sản phẩm đã được công nhận… Nhằm khắc phục những hạn chế đang tồn tại, trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới, sáng tạo, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác bình chọn, hỗ trợ tạo động lực, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển./.