Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, mục tiêu trong phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả tích cực 

Thời gian vừa qua, xác định đổi mới và phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng của xã hội, tạo công ăn việc làm, sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế chung của đất nước nên các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã không ngừng tham mưu Chính phủ cải thiện môi trường pháp quy, tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, tình hình phát triển doanh nghiệp trên cả nước đã có bước tăng trưởng cao, phát triển nhanh chóng và tạo bước đột phá. Số doanh nghiệp đang hoạt động tăng hơn 13,3 lần so với giai đoạn 2000-2015 vào cuối năm 2018 với 715 ngàn doanh nghiệp, góp phần tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, mục tiêu trong phát triển kinh tế  tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả tích cực

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, 05 tháng đầu năm 2019 đã có 53.998 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,2% so cùng kỳ và 19.646 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 48,1% so cùng kỳ đưa tổng số doanh nghiệp hoạt động trong 5 tháng đầu năm lên 73.644 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 669.722 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào các ngành, nghề: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa tăng 0,8%; Xây dựng tăng 0,2%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,9%.

Cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang nói chung và ngành Công Thương nói riêng cùng với các Ngành đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực, góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tăng trưởng GRDP của tỉnh và thực hiện tốt chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và  HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.  Theo đó, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã thu hút được 68 dự án đầu tư mới và 17 dự án đăng ký bổ sung vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 542 triệu USD, tăng 73,8% so cùng kỳ, trong đó có 34 dự án đầu tư trong nước và 34 dự án đầu tư nước ngoài, với 17 dự án về lĩnh vực thương mại, 14 dự án lĩnh vực công nghiệp và 03 dự án lĩnh vực nông nghiệp. Đã nâng tổng số dự án trên toàn tỉnh là 1.565 dự án, trong đó có 404 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký là 4.763,3triệu USD và 1.161 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư 81.277 tỷ đồng. Trong đó đã có 1.103 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, chiếm 70,47% tổng số dự án đang còn hiệu lực.

Về phát triển doanh nghiệp cũng đã đạt được những kết quả tích cực, 06 tháng đầu năm 2019 đã thành lập mới được 547 doanh nghiệp và 37 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 6,6 % so cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 4.611 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ. Trong đó doanh nghiệp lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 55,8 %; doanh nghiệp công nghiệp chiếm 40,6% và 3,6% thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 8.803 doanh nghiệp, vốn đăng ký 59.789 tỷ đồng và 1.150 chi nhánh văn phòng đại diện. Hiện đã có 64% doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số doanh nghiệp đăng ký, trong đó có 61,5% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả còn lại là hoạt động cầm chừng và chuẩn bị dừng.

Với những kết quả về thu hút đầu tư, đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua, đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo công ăn việc làm cho lao động,  sản xuất ra sản phẩm cho xã hội, đoáng tích cực vào ngân sách và góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh:

Năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 131.762 tỷ đồng (giá so sánh), tăng trưởng 31,8% so năm 2017; giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đóng góp trong GRDP đạt 31.169 tỷ đồng (giá so sánh), tăng trưởng 27,8%, chiếm 48,2 % giá trị tổng sản phẩm của tỉnh, đóng góp 12,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung (tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 ước đạt 16,0%).

Trong 06 tháng đầu năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) ước đạt 80.465 tỷ đồng, tăng 31,3% o cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến đạt 79.395 tỷ đồng, tăng 31,8 % so cùng kỳ; ngành khai thác mỏ đạt 280 tỷ đồng, tăng 0,5 % so cùng kỳ; ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện đạt 715 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ; ngành phân phối nước và xử lý rác thải đạt 70 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ. Tổng số nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đã đạt 1.167,5 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất, thuế đất, phí, lệ phí và thu khác), tăng 25,4% so cùng kỳ. Góp phần tạo công ăn liệc làm cho người lao động, hiện trên toàn địa bàn có khoảng 217.000 lao động trong các doanh nghiệp, trong đó lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 81.000 người; lao động trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài là 129.000 người và khoảng 7.000 lao động trong các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ: Việc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư vẫn còn hạn chế, còn chậm so với quy định; Công tác quản lý nhà nước về đầu tư vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều doanh nghiệp triển khai dự án khi chưa đầy đủ thủ tục về đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, xây dựng sai phép….; Chất lượng quy hoạch còn thấp, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông thôn mới…; Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn gây chậm tiến độ đầu tư của doanh nghiệp; Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp chưa được đồng bộ, hoạt động xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, linh hoạt; một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn về lao động như ngành may, gạch, điện tử chưa được tháo gỡ triệt để, số doanh nghiệp ngừng sản xuất có thời hạn, doanh nghiệp giải thể tăng cao hơn cùng kỳ: 34 doanh nghiệp và 11 chi nhánh văn phòng đại diện đã giải thể và xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp, tăng 25% so cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp, chi nhánh văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 182 đơn vị, tăng 45,6% so cùng kỳ; trình độ tay nghề của lao động còn hạn chế, doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi tiếp nhận. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn khó khăn do doanh nghiệp mới thành lập hoặc thiếu tài sản đảm bảo nên khó định giá tài sản để thế chấp.

Để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính về đầu tư, thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hoàn thiện các quy định về chính sách xúc tiến đầu tư, khuyến công, xúc tiến thương mại...hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Hoàn thiện hệ thống các quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; hoàn thiện việc cắm mốc giới định hướng các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện là cơ sở để phát triển công nghiệp. Lựa chọn các chủ đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại dịch vụ, hạ tầng xã hội quanh các khu, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở công nhân đã được phê duyệt. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào khảo sát, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn.

Thứ ba: Tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận đầu tư. Nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm những khó khăn của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Tăng cường công tác công khai minh bạch trong việc cung cấp thông tin và trong giải quyết những khó khăn  tồn tại của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ tư: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận đầu tư, kịp thời phát hiện và sử lý các sai phạm trong quá trình đầu tư. Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục.

Khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh và các hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp./.

 

                                                                                                                                   Phạm Quốc Tuấn-PGĐ Trung tâm KC&XTTM

 

 

764 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23005947
Lượt truy cập