Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội: Kết nối, thúc đẩy nông nghiệp sản xuất hàng hóa 

Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 không chỉ là nơi trưng bày, quảng bá, giới thiệu xúc tiến thương mại sản phẩm mà còn kết nối giao thương giữa người sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.
Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội: Kết nối, thúc đẩy nông nghiệp sản xuất hàng hóa
Đa dạng sản phẩm hàng hóa chất lượng
Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 có sự tham gia của 185 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, với quy mô 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội và nhiều tỉnh, TP.
Các gian hàng tại Festival gồm các sản phẩm nông nghiệp như bưởi diễn, bưởi đỏ, cam canh, ổi, phật thủ…; các loại cây cảnh, cây thế của làng nghề Gia Lâm, Hoài Đức, Tây Hồ…; các loại rau, củ, quả an toàn, rau hữu cơ và rau công nghệ cao.
Ngoài ra, còn có các gian hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến mang thương hiệu đặc sản của Hà Nội như: Bánh cốm làng Vòng; thịt lợn hữu cơ của Công ty chế biến thực phẩm từ A-Z; các gian trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực như bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ, chè lam Thạch Xá, chè kho Đại Đồng…
Đặc biệt, năm 2018 TP Hà Nội đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ là xây dựng “Mỗi xã phường một sản phẩm” hay còn gọi là OCOP. Đến năm 2019, Hà Nội đã tổ chức đánh giá xếp hạng 300 sản phẩm thuộc nhiều địa phương.
Trong đó, có 102 sản phẩm OCOP được thành phố cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng từ 3-4 sao. Trong số này, TP đã cấp chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng 3 sao cho 31 sản phẩm, 4 sao cho 56 sản phẩm và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Cũng tại Festival, nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội được trưng bày, giới thiệu như: Mây tre đan, tranh thêu tay truyền thống, nón làng Chuông, gốm Bát Tràng, lụa Mỹ Đức…
Ông Hoàng Văn Trào (Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: Gia đình ông đã sản xuất các loại hoa từ nhiều năm nay, nhưng kể từ năm 2015 TP Hà Nội thực hiện dồn điền đổi thửa, ông đã có 8.000m2 đất để sản xuất hàng hóa. Trước kia ông trồng hoa cắt bông nhưng hiệu quả không cao, nay đã chuyển sang trồng chậu, nhu cầu thị trường tăng, mỗi năm ông đã tăng khá nhiều số lượng. Từ 3 vạn chậu hoa đồng tiền năm 2018, đến năm 2019 đã tăng lên 6 vạn chậu. Cây dạ yến thảo cũng có hàng nghìn chậu được đưa ra thị trường mỗi năm, thu nhập đến 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài những sản phẩm đem đến đây được chứng nhận đạt chuẩn từ 3-4 sao thì người tiêu dùng còn yên tâm các sản phẩm đều có tem nhãn chứng nhận nguồn gốc xuất sứ của sản phẩm.
Bà Mai, quận Cầy Giấy cho biết: Bà đã thường xuyên đi mua các sản phẩm mỗi khi TP tổ chức hội chợ. Lần này quy mô của Festival khá lớn, với rất nhiều sản phẩm chất lượng. Tại đây bà yên tâm mua các sản phẩm nông nghiệp chế biến đảm bảo chất lượng. Rau và trái cây được truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng biết được quy trình sản xuất của sản phẩm đó.
Thúc đẩy nông nghiệp sản xuất hàng hóa
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội đã và đang được phát huy, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hội nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân; đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của Thủ đô, tạo bước đà quan trọng để Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, phát triển, đánh giá xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp TP, 100 sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia. Do đó, TP đã định hướng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc tổ chức Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề thực sự cần thiết nhằm quảng bá, tôn vinh, kết nối, thu hút và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Qua đó, khuyến khích người sản xuất tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân và du khách.
Ông Bùi Văn Lập - Giám đốc HTX Yên Bài trồng bưởi tại Ba Vì cho biết: Gia đình ông có khoảng 1ha trồng bưởi diễn. Mặc dù đã có tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng bưởi của gia đình ông cũng mới chỉ tự sản, tự tiêu chủ yếu bán cho thương lái.
Khi được TP Hà Nội tổ chức Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, ông mong muốn HTX của ông sẽ kết nối được với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm để cho hàng trăm hộ gia đình của Ba Vì đang trồng trên 200ha bưởi diễn.
Công ty Thực phẩm từ A - Z mặc dù đã có cả chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm sinh học và kênh tiêu dùng thông qua các Hội Phụ nữ xã, phường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người chưa biết đến sản phẩm thịt sạch, để mở rộng quy mô Công ty vẫn muốn tham gia Festival đề giới thiệu đến nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm thực và sản phẩm chế biến từ thịt lợn sạch. Đó là chia sẻ của ông Lê Văn Triệu, đại diện DN Thực phẩm  từ A - Z.
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao việc Hà Nội đã tổ chức Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề với quy mô lớn. Đây là ngày hội đầu tiên của 1 địa phương, không chỉ chăm lo phát triển công tác đô thị mà còn chăm lo đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn, có 385 xã phường xây dựng nông thôn mới, chứng minh rằng phát triển kinh tế xã hội, gắn với nông thôn.
"Việt Nam đang hội nhập toàn cầu, do đó phải chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt; phải làm tốt công tác tái cơ cấu nông nghiệp, để TP cán đích 11 tỷ USD. Những ngành hàng lớn phải tổ chức những quy mô lớn hơn có chuỗi sản phẩm cấp tỉnh. Tổ chức Festival của Hà Nội là khẳng định sức mạnh Việt Nam, sẽ hình thành các trục sản phẩm cấp OCOP, cấp tỉnh và cấp quốc gia để giá trị xuất khẩu của Việt Nam không chỉ ở mức 41 tỷ USD như hiện nay" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định, TP Hà Nội cần tổ chức tốt hơn nữa Festival  và hội chợ để kết nối các nhà khoa học, kết nối 4 nhà là sản xuất, doanh nghiệp, nhà phân phối, người tiêu dùng, chính quyền để xây dựng nông thôn mới, đảm bảo nâng cao đời sống người nông dân.
7621 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21791885
Lượt truy cập