Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, XK chè tháng 3/2017 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 12 triệu USD, đưa khối lượng XK chè 3 tháng đầu năm ước đạt 26 nghìn tấn và 38 triệu USD, tăng 12,6% về khối lượng và tăng 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù XK chè từ đầu năm đến nay tăng cả lượng và giá trị, nhưng theo các chuyên gia, hiện thị phần XK chè của Việt Nam vào các nước phát triển còn khá thấp; các sản phẩm chè chỉ XK chủ yếu dưới dạng nguyên liệu; thương hiệu vẫn còn hạn chế.
Chia sẻ tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 mới đây, TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - cho biết, mỗi năm ngành chè phải chịu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do chưa thực hiện được đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do nhà nước ban hành.
Ông Tài dẫn chứng, về tiêu chuẩn thu hái, nếu trước đây thu hái chè búp tươi khoảng 20 lá thì nay người SX cắt cả cành, không theo tiêu chuẩn nào. Ngoài ra, quy chuẩn tại nhà máy là phải đủ nguyên liệu, máy móc, vệ sinh an toàn thực phẩm thì chỉ nhà máy lớn mới bảo đảm làm được. Không chỉ vậy, vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến cũng không được chú trọng nên xảy ra tình trạng DN đầu tư trồng chè, nhưng khi thu hoạch người nông dân lại bán sản phẩm cho nhà máy khác nên đã xảy ra cạnh tranh nguyên liệu.
Tuy nhiên, theo TS. Tài, việc cạnh tranh thị trường trong nội bộ ngành mới là vấn đề nan giải. Trong nước, các DN tranh nhau nâng giá để thu mua nguyên liệu và ở ngoài nước lại tranh nhau giảm giá để giành giật hợp đồng.
Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay nông sản Việt Nam nói chung và ngành chè nói riêng đều là bán “hàng tư liệu SX” để nước ngoài nhập về chế biến thành “hàng tư liệu tiêu dùng”. Việc xuất thô của Việt Nam phải chịu áp lực giá tăng hoặc giảm nhưng để chế biến sâu thì các DN Việt chưa làm được. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành chè Việt Nam, TS. Tài cho rằng, giải pháp nền tảng là cần tổ chức lại SX theo chuỗi giá trị. Hiện nay, Ban chỉ đạo Phát triển chè bền vững và Hiệp hội Chè Việt Nam đã khuyến cáo các địa phương phân chia vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn liền với người nông dân. Trong đó, nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào bảo đảm tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần có những DN, tập đoàn lớn tham gia để đưa ngành chè phát triển và xây dựng thương hiệu chè cho Việt Nam. Qua đó, chuyển bán nguyên liệu từ dạng tư liệu SX thành bán thành phẩm tư liệu tiêu dùng, nâng cao giá trị SX.
TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam:
Thách thức lớn của ngành chè là phải thay đổi hình ảnh, tư duy SX, cũng như cần nhà nước thay đổi thể chế quản lý để DN XK và nhà SX có điều kiện phát triển tốt hơn.
|