Câu hỏi: Hoạt động khuyến công trong thời gian qua đã có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển kinh tế của địa phương? Năm 2022, tổng nguồn vốn hỗ trợ được phân bổ là bao nhiêu (bao gồm khuyến công quốc gia, địa phương)?
Trả lời:
Hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn của địa phương. Góp phần tích cực tham gia thực hiện các chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2019 - 2021, trước tác động và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động khuyến công của tỉnh Bắc Giang đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, cụ thể: Triển khai thực hiện được 78 đề án, hỗ trợ xây dựng được 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất thức ăn chăn nuôi; 50 cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất các sản phẩm: cơ khí, chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, các sản phẩm đặc trưng chủ lực của tỉnh, nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; bên cạnh đó, hỗ trợ cho hơn 100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước; tư vấn, trợ giúp cho hơn 30 cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế, mẫu mã bao bì đóng gói, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm; bình chọn được 36 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh...
Năm 2022, tổng nguồn vốn hỗ trợ hoạt động khuyến công được phân bổ là 5.700 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 2.200 triệu đồng, kinh phí khuyến công tỉnh là 3.500 triệu đồng.
Câu hỏi: Kế hoạch thực hiện chương trình trình khuyến công sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào? Trong 6 tháng đầu năm, khuyến công đã hỗ trợ được bao nhiều đề án, đạt bao nhiêu %?
Trả lời:
Kế hoạch khuyến công tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 xác định:
- Tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, kế thừa có chọn lọc thành tựu của công tác khuyến công trong giai đoạn trước, bám sát các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh. Thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên hỗ trợ phát triển trên cơ sở nguyên tắc: Tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, có khả năng tăng giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghệ dệt may, da giày, may mặc nhưng ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh Bắc Giang có lợi thế. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản.
- Tập trung hỗ trợ phát triển các nhóm ngành nghề nông thôn: Chế biến nông, lâm, thủy sản (chủ yếu chế biến tinh); cơ khí phục vụ nông nghiệp; dệt may; sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ.
- Ưu tiên hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có điều kiện phát triển; chú trọng phát triển nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực dân tộc thiểu số.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện 2/2 đề án khuyến công quốc gia và 16/17 đề án khuyến công tỉnh, hiện tại khối lượng hoàn thành đạt khoảng 70% so với nhiệm vụ được giao. Dự kiến, đến tháng 11/2022, Trung tâm sẽ hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Câu hỏi: Năm nay, khuyến công có tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực cụ thể nào không, thưa ông?
Trả lời:
Năm nay thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và bám sát tình hình khó khăn, nhu cầu đầu tư phát triển cần hỗ trợ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, khuyến công Bắc Giang tập trung hỗ trợ các đề án đầu tư ứng dụng máy móc thết bị tiên tiến trong bảo quản các sản phẩm nông sản (Vải thiều, Cam, Bưởi…); trong chế biến nông, lâm sản (sản xuất đông trùng hạ thảo, bánh đa nem, dầu ăn, gỗ ván ép phủ phim, sấy gỗ); trong sản xuất cơ khí, điện tử.
Câu hỏi: Thực tế, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả rất tốt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn? Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Trả lời:
Hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Giang đã đi vào cuộc sống và đạt được những thành tích đáng ghi nhận, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc:
- Các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn ít nên số đề án khuyến công triển khai tại đây chưa nhiều, mặc dù đây là những địa bàn ưu tiên của chương trình khuyến công.
- Chưa có nhiều đề án khuyến công điểm, quy mô lớn thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Hệ thống tổ chức triển khai thực hiện hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, mới có Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh, chưa có chi nhánh tại các huyện, thành phố và mạng lưới cộng tác viên tại các xã nên việc nắm bắt nhu cầu, triển khai các đề án khuyến công còn khó khăn.
Câu hỏi: Trong 6 tháng cuối năm, hướng tới mục tiêu hoàn thiện kế hoạch đề ra, phía Trung tâm sẽ có những giải pháp thực hiện ra sao? Về phía Bộ Công thương, Cục Công thương địa phương ông có đề xuất gì để hỗ trợ cho tỉnh?
Trả lời:
Để hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp mang tính trọng tâm như sau:
- Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công tạo sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề trong xây dựng và triển khai kế hoạch khuyến công.
- Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án khuyến công đang triển khai, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.
- Thứ ba, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền ngừng thực hiện, điều chỉnh bổ sung sang thực hiện đề án khác đối với các đề án không đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng hỗ trợ đã ký, hoặc có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Thứ tư, phối hợp các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, kịp thời nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, sớm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, địa phương và xã hội.
Nhằm tăng cường, thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công năm 2022 và các năm tiếp theo, Trung tâm đề xuất:
- Về phía Bộ Công Thương: Đề nghị phối hợp các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật thuộc lĩnh vực khuyến công để các địa phương có căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện.
- Về phía Cục Công thương địa phương: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương tăng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia phân bổ cho địa phương hàng năm./.
Trung tâm KC&XTTM