Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang với bước nhảy “ngoạn mục”, góp phần cơ bản trong tăng trưởng kinh tế năm 2018 

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020. Ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội và hoạt động sản xuất công nghiệp tỉnh đã có bước tăng trưởng “ngoạn mục”, đóng góp cơ bản vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2018.

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ngành liên quan, ngành Công Thương Bắc Giang đã tranh thủ các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn tồn tại, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung chỉ đạo và cùng với sự quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, năm 2018 hoạt động sản xuất công nghiệp đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 131.762 tỷ đồng (giá so sánh), tăng trưởng 31,8% so năm 2017; giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đóng góp trong GRDP đạt 31.169 tỷ đồng (giá so sánh), tăng trưởng 27,8%, chiếm 48,2 % giá trị tổng sản phẩm của tỉnh, đóng góp 12,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chung (tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 ước đạt 16,0%).

Để có được kết quả sản xuất công nghiệp, đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, ngành Công Thương đã tập trung chỉ đạo, tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Thứ nhất: Xây dựng một số chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh: Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Đề án quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; Quyết định sửa đổi, bổ sung một số thủ tục liên quan đến tiếp cận điện năng trên địa bàn tỉnh; Thành lập 04 cụm công nghiệp mới, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn lên 38 CCN, tổng diện tích 1.243 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh là 55,2%.

Thứ hai: Tích cực phối hợp trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp: Phối hợp cùng các đơn vị liên quan, tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn, năm 2018 toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh 236 dự án đầu tư, tăng 11,5%, tổng số vốn đăng ký quy đổi đạt 627 triệu USD, trong đó: Cấp mới 107 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.920 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 16 dự án trong nước với số vốn tăng thêm đạt 874 tỷ đồng; cấp mới 63 dự án FDI, vốn đăng ký 166 triệu USD, điều chỉnh 50 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm là 336 triệu USD. Nâng tổng số dự án đầu tư toàn tỉnh lên 1.500 dự án, trong đó có 1.122 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký là 80.698,6 tỷ đồng; 378 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 4.277,3 triệu USD.

Thứ ba: Tăng cường công tác khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã: Công tác thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, năm 2018 có 1.202 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 9,9% cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký là 9.630 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay là 8.595 doanh nghiệp, trong đó có 8.229 doanh nghiệp trong nước, vốn đăng ký 54.565 tỷ đồng, 366 doanh nghiệp FDI vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, tổng vốn thực hiện của các doanh nghiệp trong nước năm 2018 ước đạt 6.455 tỷ đồng, tăng 14,7%. Trong năm có 106 hợp tác xã (HTX) thành lập mới, tăng 24,7% so năm 2017, nâng tổng số HTX trên toàn tỉnh đến nay đang hoạt động là 683 HTX, trong đó lĩnh vực phi nông nghiệp là 223 HTX, chiếm 33%.   

Thứ tư: Tích cực chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn: Chủ động nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước (ngoài quốc doanh) giá trị sản xuất đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19,5% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt và chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp (đạt 126.130 tỷ đồng, chiếm 79,2%, tăng trưởng 36,3% so cùng kỳ), một số doanh nghiệp lớn hoạt động có hiệu quả, là động lực chính cho tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành như: Công ty Fuhong tăng 31,8%, Công ty Hosiden Việt Nam tăng 35,3%, Công ty Si Flex tăng 41,3%, Công ty Vina Solar tăng 36,1%; Công ty New Wing tăng 56,2% so với cùng kỳ...tuy nhiên với thành phần kinh tế này chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu chủ yếu là gia công lắp ráp nên giá trị gia tăng đóng góp vào GRDP chưa cao.

Thứ năm: Tăng cường các hoạt động khuyến công, tư vấn hỗ tr phát triển công nghiệp: Nâng cao chất lượng trong hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp từ các thành phần kinh tế trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ và kinh tế tập thể. Năm 2018 đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 21 doanh nghiệp, cơ sở nông thôn; kinh phí hỗ trợ đạt khoảng 2,8 tỷ đồng, trong đó từ nguồn khuyến công quốc gia là 1,2 tỷ đồng, nguồn khuyến công địa phương là 1,6 tỷ đồng, thu hút được khoảng 17 tỷ đồng vốn đầu tư từ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, quy mô ngày càng lớn, môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng... là cơ sở để hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2018 của tỉnh Bắc Giang thực sự có tốc độ tăng trưởng bứt phá “ngoạn mục”. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 với mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 209.000 tỷ đồng (giá hiện hành) tăng trưởng 31,2% so năm 2018, ngành Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản: (1) Chủ động: Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch, đề án và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 54-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tránh chồng chéo, thiếu tính ổn định; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; nâng cao năng lực của một số chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn yếu. (2) Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển doanh nghiệp; thực hiện lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, đất đai, giá trị gia tăng cao, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước để phục vụ đổi mới mô hình phát triển kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế của tỉnh như: Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang; hạ tầng KCN Hòa Phú; Trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang ... ; thu hút các tập đoàn lớn như: Samsung, FLC, Vinfast... nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào tỉnh./.

 

Phạm Quốc Tuấn-PGĐ Trung tâm KC&XTTM

 

837 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23127550
Lượt truy cập