Hội nghị được diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá. Dự Hội nghị có các đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và các đại biểu đến từ 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hội nghị được thực hiện nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác khuyến công năm 2021, ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2022; là hoạt động thường niên được tổ chức để các địa phương gặp gỡ, trao đổi, rút ra những bài học trong công tác khuyến công. Qua đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công để tổ chức triển khai, phát huy hiệu quả hoạt động khuyến công tại các địa phương.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện trong năm 2021 của 28 tỉnh, thành phố là 130,4 tỷ đồng (đạt 91,7% so với kế hoạch năm là 142,1 tỷ đồng), trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện là 50,3 tỷ đồng (đạt 99,4% so với kế hoạch năm là 50,6 tỷ đồng); kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) thực hiện là 80,1 tỷ đồng (đạt 87,6% so với kế hoạch năm là 91,5 tỷ đồng). Trong năm 2022, tổng kinh phí dành cho hoạt động khuyến công của 28 tỉnh, thành phố được phê duyệt là 174,3 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2021, trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch là 79,7 tỷ đồng (chiếm 56,9% so với tổng kinh phí KCQG năm 2022 là 140 tỷ đồng) và chiếm 45,7% so với tổng kinh phí khuyến công toàn vùng; kinh phí KCĐP được giao theo kế hoạch là 94,6 tỷ đồng (chiếm 50,1% tổng kinh phí KCĐP được giao kế hoạch năm 2022 là 189 tỷ đồng) và chiếm 54,3% kinh phí khuyến công toàn vùng. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, kinh phí khuyến công toàn vùng ước thực hiện được 73,7 tỷ đồng, đạt 42,3% so với kế hoạch năm, cao hơn 112,8% so với cùng kỳ; trong đó: Kinh phí KCQG ước thực hiện 33,3 tỷ đồng đạt 41,8% kế hoạch năm; kinh phí KCĐP ước thực hiện 40,3 tỷ đồng đạt 42,6% kế hoạch năm.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị
Kinh phí được phân bổ để thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công đã đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, Quyết định số 1881/QĐ-TTg; ngoài ra, một số địa phương đã căn cứ quy định trên địa bàn, phân bổ kinh phí KCĐP để triển khai thực hiện thêm một số nội dung khác để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Qua đó, công tác khuyến công đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp sức, hỗ trợ cho các cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghẹ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phảm; khai tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương; là nguồn động viên lớn đối với các cơ sở CNNT để nhanh chóng khôi phục, tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19... Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá tình hình và tác động của các chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT trong bối cảnh hậu Covid-19; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học rút ra và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện các hoạt động khuyến công trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã đánh giá, chính sách khuyến công thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, nghiêm túc từ chỉ đạo, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, tác động vĩ mô của xung đột chính trị và kinh tế thế giới, công tác khuyến công đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19, góp phần tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp, như: Đánh giá những kết quả đạt được về công tác khuyến công. Đồng thời, thẳng thắng nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, từ đó xác định, phân tích nguyên nhân để xây dựng các nhóm giải pháp phù hợp, hiệu quả. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt để tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án khuyến công, bám sát diễn biến tình hình của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Các đơn vị, địa phương cần kết nối, chia sẻ các bài học, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để cùng học hỏi, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hoạt động khuyến công. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần thảo luận, đề xuất Bộ Công thương những quan điểm, chủ trương, những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công./.
VŨ TRÍ KHƯƠNG - TTKC