Về dự có Đại diện các Cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 63 tỉnh/thành phố, Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc; Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Hải quan Nam Ninh, Quảng Tây; Các cơ quan, chuyên gia của Trung Quốc, đại diện chính quyền các địa phương giáp biên giới với Việt Nam; Các Hiệp hội ngành hàng nông sản, các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn sang Trung Quốc.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được thông tin phổ biến các quy định hai nước Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu…). Đồng thời trao đổi về nghiệp vụ, kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các Cơ quan chức năng giữa hai nước trong công tác an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Đặc biệt phía Trung Quốc đã thông tin những quy định mới trong nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Cụ thể là hệ thống truy xuất nguồn gốc (bao gồm: công tác giám định, kiểm định chất lượng) đối với hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu và thị trường Trung Quốc.
Trong những năm qua Trung Quốc là thị trường quan trọng xuất khẩu cho rau quả của Việt Nam. Năm 2018, xuất khẩu rau quả của nước ta đạt giá trị 3,81 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 2,78 tỷ USD, ( 73% sản lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam). Tám loại quả tươi xuất chính ngạch: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Đối với vải thiều Bắc Giang, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 xuất khẩu.
Tuy nhiên việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cũng gặp không ít thách thức như: Tiến trình trao đổi kỹ thuật, đánh giá rủi ro, kiểm dịch động vật trong công tác mở cửa thị trường các sản phẩm nông sản kéo dài hạn chế phát triển thương mại cho các sản phẩm nông sản chính ngạch được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi theo từng thời điểm, Trung Quốc áp dụng một số biện pháp quản lý về chất lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm và yêu cầu phải thống kê, truy xuất vùng trồng đối với các sản phẩm nông sản…
Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, nghiệp vụ về ATTP, kiểm dịch động thực vật, các quy định về quản lý, kiểm soát XNK nông lâm thủy sản thực sự là cơ hội để Bộ và các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, đầu tư liên kết chuỗi sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững vì lợi ích chung của hai bên.
Hải Yến
Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang