Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thế trình bày tại Hội Thảo, sản phẩm gà đồi được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện. Tổng đàn gà của huyện luôn duy trì ổn định ở mức 4- 4,5 triệu con, cơ cấu đàn gà phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tăng tỷ lệ gà ri lai (đạt 51% tổng số đàn), giảm tỷ lệ gà mía lai. Vùng sản xuất tập trung tại các xã Tiến Thắng, Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Vương...Hàng năm, toàn huyện Yên Thế xuất bán ra thị trường trên 14 triệu con, doanh thu 1,3-1,5 nghìn tỷ đồng/năm. Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân và cho thu nhập ổn định.
Với những kết quả đạt được, năm 2011, sản phẩm gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đây là sản phẩm vật nuôi đầu tiên trong nước được cấp nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.
Sản phẩm gà đồi Yên Thế liên tục được nhận các giải uy tín từ năm 2011 đến nay và là 1 trong 4 sản phẩm, thực phẩm của Việt Nam lọt vào danh sách nhận Cúp chứng nhận "Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á- ASEAN" năm 2013. Đến nay, nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước Lào, Trung Quốc và Singapore.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết: Bắc Giang có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Sản phẩm Gà đồi Yên Thế tuy đã đạt được những kết quả nhất định, giá gà đồi ổn định, thị trường tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về khâu sản xuất, quảng bá, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, trong hội thảo này, tỉnh Bắc Giang rất mong nhận được những đánh giá, dự báo, ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học, quản lý để từ đó Bắc Giang có những định hướng, quy hoạch phát triển trong thời gian tới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Ý kiến của đồng chí Trần Quang Tấn Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay việc nhận diện gà đồi Yên Thế ở Bắc Giang trên thị trường còn khó khăn, mô hình hợp tác xã sản xuất tập trung còn ít, tính liên kết giữa người chăn nuôi với hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến việc bị động về giá cả và tiêu thụ chưa thực sự bền vững.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế, Bắc Giang đang hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, trước mắt xác định vẫn tiêu thụ ở thị trường trong nước là chính, nhất là thị trường thủ đô và các thành phố lớn.
Đối với thị trường xuất khẩu, trong ngắn hạn hướng vào thị trường ASEAN và Trung Quốc. Cùng đó, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại tất cả nguồn giống bảo đảm chất lượng cao từ giống, thức ăn, gà được chăn thả ở vườn đồi sinh thái... nâng cao chất lượng gà đồi và hướng tới thị trường khó tính hơn như Nhật Bản, EU.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng để nâng cao chất lượng gà đồi Yên Thế, hướng tới thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường khó tính, tỉnh Bắc Giang cần xây dựng chuỗi chăn nuôi, liên kết hoàn chỉnh từ con giống, sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ.
Trong số đó, một số nhiệm vụ phải thực hiện, đó là sản phẩm phải truy suất được nguồn gốc, xuất xứ từ vùng chăn nuôi đến cơ sở giết mổ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. Sản phẩm ra thị trường phải là sản phẩm sạch và mang tính vượt trội về chất lượng. Đồng thời, tạo ra sự ổn định về chất lượng, giá cả sản phẩm.
Vì vậy, theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ, người chăn nuôi gà phải hình thành các hợp tác xã, các doanh nghiệp làm đầu mối. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ, tiến hành xây dựng và bảo hộ thương hiệu ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhât Bản, EU và mở rộng thị trường tiêu thụ./.
Hải Yến -Trung Tâm KC&XTTM