Hướng dẫn chung
Các tổ chức Hội, Hiệp hội, Hợp tác xã (sau đây gọi chung là Tổ chức tập thể - TCTT) có quyền được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình dưới hình thức NHTT (theo khoản 3 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ). TCTT phải được thành lập hợp pháp và hoạt động theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
TCTT muốn sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của địa phương để đăng ký bảo hộ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dưới hình thức nhãn hiệu NHTT thì phải báo cáo và được sự đồng ý của UBND huyện, thành phố nơi đóng trụ sở chính.
Đề nghị UBND các huyện, thành phố cân nhắc kỹ việc cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý; lựa chọn TCTT tiêu biểu, có năng lực, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và tập hợp được đông đảo thành viên tham gia; mang tính đại diện cho thương hiệu, sản phẩm nhằm mang lại lợi ích chung cao nhất cho cộng đồng địa phương.
Sau khi lựa chọn, UBND huyện, thành phố có văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị thẩm định, trình UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh để đăng ký NHTT và xác nhận vào bản đồ khoanh vùng sản xuất sản phẩm. Để có thêm thông tin, cơ sở thẩm định, ngoài bản đồ đã được địa phương ký xác nhận, đề nghị UBND huyện, thành phố gửi kèm theo Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm tại địa phương (giới thiệu về sản phẩm, đặc tính, sản lượng, năng suất, diện tích sản xuất, giá trị thương mại...) và hoạt động của TCTT (tóm tắt quá trình hình thành, phát triển, quy mô, số lượng thành viên, năng lực sản xuất - kinh doanh...).
Trường hợp được đồng ý, UBND tỉnh sẽ có văn bản cho phép sử dụng tên địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký NHTT và xác nhận vào bản đồ khoanh vùng sản xuất sản phẩm để gửi Cục Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp không đảm bảo điều kiện trình UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có văn bản trả lời cụ thể cho UBND huyện, thành phố.
Thành phần hồ sơ nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ
1. Tờ khai:
- Theo mẫu tờ khai.
- Nội dung mô tả nhãn hiệu phải thống nhất với mẫu nhãn hiệu.
- Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên tờ khai.
- Phân nhóm sản phẩm áp dụng theo bản tiếng Việt của bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 11-2017 được Cục Sở hữu trí tuệ dịch từ bản tiếng Anh do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố; địa chỉ website (http://www.noip.gov.vn) hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ (http//www.most.gov.vn).
- Thành viên TCTT phải được lập thành danh sách ghi đầy đủ các thông tin cá nhân liên quan, từng thành viên TCTT phải ký vào danh sách và được Chủ tịch Hội ký đóng dấu xác nhận (lưu ý: thường lỗi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất nằm ngoài vùng bản đồ khoanh vùng sản xuất sản phẩm; thiếu chữ ký của từng thành viên TCTT).
- Đối với trường hợp chủ đơn đăng ký trực tiếp thì trên các tờ khai phải ký vào góc bên phải các tờ và bản cuối cùng ký tên đóng dấu chủ đơn.
2. Mẫu nhãn hiệu: Gửi kèm theo hồ sơ 05 mẫu nhãn hiệu giống hệt nhau (ngoài mẫu dán tại tờ khai).
3. Quy chế sử dụng NHTT: Trong Quy chế sử dụng NHTT phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau: tên, địa chỉ căn cứ thành lập và hoạt động của TCTT là chủ nhãn hiệu; các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của TCTT; danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu- các điều kiện sử dụng nhãn hiệu; biện pháp xử lý hành chính VI phạm Quy chế sử dụng nhãn hiệu.
4. Bản đồ khu vực địa lý: Đối với bản đồ khoanh vùng sản xuất sản phẩm được thể hiện trên giấy khổ A3 hoặc A4: Bản đồ màu hoặc đen trắng đều hợp lệ, trên bản đồ thể hiện tọa độ địa lý, ghi rõ tỷ lệ bản đồ, bản chú giải và phải được UBND các cấp (cấp huyện, cấp tỉnh) ký xác nhận.
5. Các tài liệu khác:
- Văn bản của UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký NHTT.
- Trường hợp nếu đơn nộp thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp thì phải kèm theo Giấy ủy quyền cho đại diện đó.
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Hồ sơ lập thành 02 bộ (bản chính) gửi về Cục Sở hữu trí tuệ; địa chỉ: số 386 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội (Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Cục hoặc qua đường bưu điện đều đúng quy định).
Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký NHTT tại Cục Sở hữu trí tuệ
Đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ ngày nào thì có số đơn, ngày nộp đơn và được thẩm định hình thức trong 01 tháng.
Nếu trong hồ sơ có sai sót (như phân nhóm sản phẩm sai, quy chế sử dụng NHTT chưa đáp ứng yêu cầu hay thiếu Công văn cho phép sử dụng tên địa danh của UBND tỉnh...) hoặc bị từ chối thì chủ đơn phúc đáp, giải trình trong thời gian 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ký công văn nêu lý do sai sót hoặc từ chối.
Sau khi thẩm định hồ sơ đáp ứng các yêu cầu thì Cục Sở hữu trí tuệ ra văn bản chấp nhận đơn hợp lệ: thời gian 02 tháng.
Thẩm định nội dung đơn: 09 tháng. Nếu có phát sinh hoặc từ chối thì chủ đơn phúc đáp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ký công văn nêu lý do sai sót hoặc từ chối.
Trong quá trình thẩm định nội dung đơn, nếu có vấn đề phát sinh mà chủ đơn không giải trình, chứng minh, phúc đáp kịp thời thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp Giấy chứng nhận NHTT.
Để thuận tiện hơn cho quá trình thiết lập hồ sơ, tránh xảy ra sai sót, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ UBND các huyện, thành phố và TCTT tra cứu tên, đơn (tránh trùng lắp với các nhãn hiệu đã được đăng ký), kiểm tra, rà soát lại hồ sơ trước khi nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp cần thiết, đề nghị liên hệ đồng chí Ngô Anh Hoàng, Phó Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành; email: khcn.chuyennganh@gmail.com; điện thoại:0204.3540.587 - 0912.282.056./.