Theo đó, Năm 2021, trước những khó khăn của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế và xã hội, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4, tỉnh Bắc Giang đã được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài để vừa triển khai phòng chống dịch vừa tập trung chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, tiêu thụ vải thiều nói riêng, nhờ đó tình hình dịch bệnh sớm được khống chế, người dân cảm thấy yên tâm.
Diện tích vải thiều toàn tỉnh năm nay là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), hướng tới đạt 100% diện tích tại 05 huyện sản xuất vải trọng điểm để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải); vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Một số điểm cầu trong tổng số 30 điểm cầu trong nước và quốc tế tại “Hội nghị trực tuyến xúc tiến và tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang”
Để giúp người trồng vải thiều tiêu thụ sản phẩm được thông thoáng một số giải pháp được đưa ra, cụ thể như sau:
1. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại giai đoạn từ nay đến cuối vụ, đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật, giám sát chặt chẽ vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, đặc biệt là việc sử dụng thuốc BVTV để đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản...Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất phụ kiện, phụ trợ cho sản xuất tiêu thụ vải thiều.
2. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn trong cả nước, để có giải pháp tích cực, linh hoạt trong quá trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai… để bàn các biện pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay.
3. Chủ động và tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ và chế biến vải thiều, đảm bảo an toàn phòng dịch. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở đóng gói đã được Trung Quốc cấp mã số thực hiện tốt các yêu cầu đóng gói để tiêu thụ sản phẩm sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi.
4. Triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo Kế hoạch đã ban hành; mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết để tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều; đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiêu thụ vải thiều. Chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức cá nhân các điều kiện xuất khẩu quả vải thiều như: Tem, nhãn, bao bì theo quy định của nước nhập khẩu.
5. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là nguồn vốn cho lưu thông và nguồn điện cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, các dịch vụ hỗ trợ cho thu hoạch và tiêu thụ vải thiều. Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy; đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường chính, tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển tiêu thụ vải thiều và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người dân. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại trong sản xuất, thu mua, chế biến vải thiều, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
Trung tâm KC&XTTM