Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam: Không được gây khủng hoảng “cung - cầu” 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NNPTNT), dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại Trung Quốc và hàng chục quốc gia, trên 500.000 con lợn đã bị mắc bệnh và phải tiêu hủy.

Nguy cơ bệnh DTLCP lây nhiễm sang nước ta là rất cao qua tuyến biên giới. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch bệnh này, Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương nâng cao cảnh giác đề phòng, nhưng phải hết sức bình tĩnh, không “nhắm mắt” giết ẩu đàn lợn theo kiểu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” gây hệ lụy thiếu hụt nguồn cung. 

Dịch bệnh nguy hiểm, có lây lan cho người?

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con. Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị, gây chết ở lợn với tỉ lệ rất cao. Bệnh DTLCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn.

Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh DTLCP. Vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng. Tuy nhiên, Cục Thú y cũng cho biết: Bệnh DTLCP không gây bệnh trên người.

Bình tĩnh để không tiêu hủy oan gây “sốt” thịt lợn

Theo khuyến nghị của Cục Thú y, đây là bệnh nguy hiểm gây chết hàng loạt đối với đàn lợn nuôi, thiệt hại rất lớn để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.

Vì virus dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, virus có thể tồn tại được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng; virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút.

Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc dấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.

Người dân khi phát hiện lợn bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng chống theo quy định, đặc biệt phải dừng việc vận chuyển, lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi vùng dịch tránh để dịch lây lan.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh vì ngành chăn nuôi heo đang khởi sắc, chiếm tỉ trọng cao, chỉ cần có biến cố là ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

“DTLCP đã có từ lâu, đã lan sang Trung Quốc, loại bệnh này lây lan nhanh, khả năng gây chết trên đàn heo cao, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, Bộ NNPTNT đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu các địa phương phải bình tĩnh, không được chủ quan, kiểm soát tốt sản phẩm nhập khẩu từ heo, từ lợn sống đến thịt đã qua chế biến” - ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Cục Chăn nuôi, người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX xác định công tác phòng chống dịch rất quan trọng, không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vaccine; chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng; hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng khuyến nghị ngoài việc kiểm soát tốt nguồn thịt lợn nhập khẩu (cả sống và qua chế biến); kiểm soát tốt nguồn bệnh, các địa phương hết sức bình tĩnh, không tự ý giết, hủy đàn lợn thiếu căn cứ khoa học gây thiệt hại kinh tế, làm lệch cán cân cung-cầu trong ngành hàng thịt lợn.

Để phòng chống bệnh DTLCP, ngày 30-8-2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào Việt Nam, trong đó, yêu cầu tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới... 

Theo Lao động

864 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21856775
Lượt truy cập