Ảnh : Đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang phát biểu ý kiến tại điểm cầu Bắc Giang.
Hội nghị trực tuyến thu hút hàng nghìn người tham gia ở 88 điểm cầu là các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước và Singapore tham gia.
Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn đã có ý kiến phát biểu giới thiệu về những tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm vải thiều nói riêng, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang nói chung.
Theo ông Tấn, vải thiều Bắc Giang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước; sản lượng năm nay ước đạt khoảng 160 nghìn tấn, chiếm phần lớn vải thiều của Việt Nam. Trong đó, 15 nghìn ha diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 218 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, được Mỹ cấp mã số IRADS; cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói... sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu sang Singapore.
Quả vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ ở gần 10 quốc gia và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malasia, Trung Đông, Thái Lan…; được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và tin dùng.
Hiện nay, các chủ vườn vải đang tập trung thu hoạch vải chín sớm; việc tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán ở mức cao, trung bình 30-35 nghìn đồng/kg.
Tại hội nghị trực tuyến, ông Trần Quang Tấn cũng cho biết, Bắc Giang cam kết các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài; tuyệt đối không để xảy ra sự cố về thủ tục hành chính ảnh hưởng đến tiêu thụ vải thiều.
Được biết, thị trường Singapore đang nhập vải thiều từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), tuy nhiên chất lượng vải từ những nước này không bằng vải thiều của Việt Nam, nhất là vải thiều Bắc Giang. Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm, ngon nhưng hằng năm vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt Nam thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế.
Vì thế, việc đưa được vải thiều Bắc Giang vào thị trường Singapore là rất quan trọng, tạo tiền đề cho xuất khẩu các nông sản chủ lực khác của tỉnh.
Theo baobacgiang.com.vn