Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang; đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh trong khu vực Đông Bắc; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tỉnh Hà Giang; đại diện nền tảng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam; các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khu vực phía Bắc.
Đông Bắc là 1 trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của miền Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đ/c Phạm Quốc Tuấn-PGĐ Trung tâm Khuyến công và XTTM Bắc Giang giới thiệu sản phẩm nông sản của Bắc Giang với đ/c Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, đ/c Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thời gian qua, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa các tỉnh vùng Đông Bắc có những tín hiệu tích cực. Các tỉnh đã tổ chức công nhận nhiều sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao và có định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu, gia tăng chất lượng, sử dụng mẫu mã, bao bì thân thiện môi trường, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đây chính cơ hội tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh trong khu vực Đông Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu đến đối tác. Đồng thời cũng là dịp để các bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ Hà Giang và các tỉnh khu vực Đông Bắc trong kết nối, đưa sản phẩm chủ lực ra chiếm lĩnh thị trường.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long nhấn mạnh, 9 tỉnh vùng Đông Bắc bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước là việc làm hết sức quan trọng.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp, tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa và tổ chức triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, mở rộng kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và phát triển thị trường trong nước, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học, quản lý, chính quyền địa phương 9 tỉnh trong khu vực Đông Bắc đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết. Trong đó, đẩy mạnh chế biến sâu gắn với tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… là những yếu tố then chốt nhất để các địa phương phát triển.
Nhân dịp này, 3 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè của các tỉnh khu vực Đông Bắc đã ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu chè với doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)./.