Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Dự, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Việt Oanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn.
Thông tin tại hội nghị, đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19 song vụ thu hoạch vải thiều năm 2021 thành công với kỷ lục “3 nhất” (sản lượng lớn nhất, chất lượng cao nhất và xuất khẩu tới nhiều thị trường cao cấp nhất). Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Lục Ngạn.
Có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các sở, ngành, nhất là hoạt động “Chung tay kết nối tiêu thụ” của Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức CTXH.
|
Quang cảnh hội nghị.
|
Theo đồng chí Nguyễn Việt Oanh, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160 nghìn tấn, trong đó huyện Lục Ngạn hơn 95 nghìn tấn. Thời gian dự kiến thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến 30/7.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ, đồng chí mong muốn Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CTXH tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu cũng như tiêu thụ vải thiều tại.
|
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh trao đổi tại hội nghị.
|
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng như hiện nay, các ngành, địa phương cần triển khai kế hoạch, phương án tiêu thụ cụ thể, hợp lý, khoa học để chủ động trong mọi tình huống.
Quan tâm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đổi mới việc giới thiệu sản phẩm đối với thị trường nội địa, tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các khu công nghiệp, tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trong nước…
Theo đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay sản lượng vải thiều cao trong khi thời gian thu hoạch ngắn nên cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Để bảo đảm sản lượng, chất lượng vải thiều xuất khẩu, đồng chí đề nghị huyện Lục Ngạn phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình thị trường để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; phối hợp với tổ công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo sản xuất, quản lý chặt mã vùng, cơ sở đóng gói, vật tư nông nghiệp.
|
Đồng chí Trần Quang Tấn phát biểu tại hội nghị.
|
Về phương án tiêu thụ vải thiều, đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện ngành đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Nếu tình hình dịch như hiện nay sẽ thực hiện kịch bản 50/50 (tiêu thụ 50% thị trường nội địa, còn lại xuất khẩu), trong đó sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).
Còn nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” sẽ xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thị nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại và sấy khô.
Về chương trình “Chung tay tiêu thụ vải thiều”, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, năm nay Hội tiếp tục duy trì các điểm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cũng như điểm giao dịch của tổ chức Hội ở một số tỉnh, TP.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, chỉ còn hơn chục ngày nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều nên việc tổ chức hội nghị lần này là khởi đầu cho chuỗi sự kiện xúc tiến, tiêu thụ vải thiều.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CTXH tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn cần phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong năm 2021. Trong đó tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều; tiếp tục nhân rộng, thực hiện hiệu quả các chương trình, như: “Phụ nữ Bắc Giang chung tay tiêu thụ vải thiều”, “Áo xanh - vải đỏ - tấm lòng vàng” của Đoàn Thanh niên…; tuyên truyền các tổ chức hội, đoàn thể cơ sở, đoàn viên, hội viên phối hợp với các ngành chức năng tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân chế biến, tiêu thụ vải thiều.
Quan tâm khơi thông thị trường trong nước, ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tăng cường kết nối với các tập đoàn phân phối, sản xuất kinh doanh lớn, Ban Quản lý Các khu công nghiệp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CTXH trong và ngoài tỉnh để ưu tiên xúc tiến cung ứng, tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử.
Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, thương nhân thu mua vải thiều về quy trình sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu năm 2022 phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các giải pháp công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến; quản lý truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt chuỗi sự kiện và hội nghị xúc tiến, tiêu thụ vải thiều của tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ du lịch, lựa chọn một số nhà vườn, các điểm du lịch tại địa bàn huyện để xây dựng, cung cấp các sản phẩm du lịch trải nghiệm mùa vải chín Lục Ngạn năm 2022.
Sở Giao thông - Vận tải kết nối với Hiệp hội Vận tải ô tô và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án phối hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phương tiện vận tải an toàn để vận chuyển vải tiêu thụ ở các tỉnh bạn.
|
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và huyện Lục Ngạn ký giao ước "Chung tay kết nối tiêu thụ vải thiều".
|
Nhân dịp này, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, tổ chức CTXH và huyện Lục Ngạn ký giao ước "Chung tay kết nối tiêu thụ vải thiều".
Theo báo bacgiang.vn