Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phục vụ sản xuất và xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2025 

Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất và tiêu thụ vải thiều cũng như các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh trong vụ mùa năm 2025, ngày 12/3/2025, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Văn bản số 674/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đảm bảo khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang.
Tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phục vụ sản xuất và xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2025

                                              Triển khai đồng bộ các giải pháp phục vụ sản xuất và xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2025

1. Sở Công Thương: Là cơ quan thường trực, Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan liên quan:

Khẩn trương tham mưu, hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP năm 2025, trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 3/2025.

Chủ trì, tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2025, kết nối các điểm cầu trong nước và quốc tế; tăng cường kết nối doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ, sàn thương mại điện tử.

Phối hợp cùng Công ty Mova Plus và các đơn vị liên quan tổ chức quảng bá vải thiều tại các điểm du lịch trọng điểm trong nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… và tại thị trường châu Âu nhân dịp kỷ niệm 5 năm Hiệp định EVFTA.

Tham mưu UBND tỉnh các văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan hữu quan của Trung Quốc (Sở Thương mại Vân Nam, Quảng Tây, TP Bằng Tường, huyện Hà Khẩu…) để đề nghị phối hợp, hỗ trợ xúc tiến, thuận lợi hóa thương mại.

Chủ trì phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ, liên hiệp hợp tác xã trong việc kết nối, đàm phán, xây dựng chuỗi phân phối ổn định, đảm bảo bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước tăng cường công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang một cách sâu rộng, hiệu quả.

2. Sở Nông nghiệp và Môi trường: Là đơn vị chủ trì sản xuất, Sở có nhiệm vụ:

Dự báo chính xác tình hình sâu bệnh, thời tiết; hướng dẫn kỹ thuật canh tác vải thiều bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...).

Rà soát, giám sát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; hướng dẫn các địa phương tuân thủ quy định quản lý, sử dụng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.

Phối hợp với chuyên gia, đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm hao hụt sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả bảo quản, sơ chế, đóng gói; khắc phục các bất cập phát sinh do thay đổi đơn vị hành chính.

Phối hợp với Công ty Mova Plus tuyển chọn, đánh giá giống vải đầu dòng, định hướng ổn định vùng sản xuất, bảo tồn chất lượng và nâng cao giá trị thương hiệu.

Phối hợp với Sở Công Thương triển khai hiệu quả công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản năm 2025.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì nghiên cứu, lựa chọn, phổ biến giải pháp bảo quản vải thiều tươi giúp duy trì màu sắc, kéo dài thời gian tiêu thụ, hạn chế tổn thất sau thu hoạch.

Tham mưu chính sách hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất vải thiều trái vụ sau vụ chính năm 2025.

4. Sở Xây dựng

Phối hợp cùng Công an tỉnh, UBND các địa phương triển khai phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, thông suốt trong vận chuyển vải thiều.

Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông, hạn chế tối đa ùn tắc trong mùa cao điểm.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và Văn phòng UBND tỉnh thẩm định kinh phí xúc tiến tiêu thụ năm 2025; tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách kịp thời, đúng quy định để thực hiện hiệu quả các nội dung trong kế hoạch được phê duyệt.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố (Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Sơn Động)

Chủ động triển khai chỉ đạo sản xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường đến các hợp tác xã, hộ nông dân; hướng dẫn canh tác đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng vải thiều.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy cách sơ chế, đóng gói phù hợp thị trường trong và ngoài nước; phối hợp kiểm soát chất lượng, số lượng sản phẩm và vùng trồng đạt chuẩn.

Chủ động phối hợp đón tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài vào khảo sát, thu mua, ký kết tiêu thụ vải thiều.

Chuẩn bị điều kiện hạ tầng như kho bãi, điện, nước, hậu cần, phục vụ tốt hoạt động thu mua, chế biến, tiêu thụ vải và các sản phẩm OCOP.

Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình liên kết tiêu thụ, hội sản xuất – kinh doanh, nhằm tạo sự ổn định thị trường, chia sẻ kỹ thuật và ứng phó hiệu quả với biến động cung cầu.

Phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tiêu thụ gắn với du lịch, xây dựng thương hiệu mùa vải thiều Bắc Giang thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Sở Công Thương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên thể hiện quyết tâm cao của tỉnh Bắc Giang trong việc giữ vững thương hiệu, nâng cao giá trị vải thiều, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.

N.Hiệp – Trung tâm TTKC & XTTM – Tổng hợp

9 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
24056377
Lượt truy cập