Về kế hoạch khuyến công quốc gia
Năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt hỗ trợ thực hiện cho 01 đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cho 3 đơn vị ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí: Công ty TNHH Cơ khí Ngọc Quyên (huyện Lục Nam); Công ty TNHH một thành viên Thiết bị công nghệ Việt Thái (huyện Hiệp Hòa) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sông Hồng (huyện Việt Yên). Dự kiến cả năm hoàn thành 100%.
Về kế hoạch khuyến công tỉnh
Nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt cho năm nay để hỗ trợ thực hiện cho 21 đề án, gồm có:
- Nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật: Đã ký hợp đồng và triển khai thực hiện 12/12. Trong đó, có 3/12 đề án được 03 đơn vị thụ hưởng đã đầu tư hoàn chỉnh máy móc, thiết bị theo yêu cầu của đề án đề ra. Nhưng do điều kiện dịch bệnh Covid-19 chưa tổ chức nghiệm thu được.
- Nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Triển khai ký hợp đồng thực hiện 01/4 đề án, cụ thể: Đầu tư cơ sở vật chất nhà trưng bày, bán sản phẩm bánh đa Kế của Hợp tác xã bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang. Đang tổ chức cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất.
- Nội dung tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn: Triển khai thực hiện 1/1 đề án hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đã lựa chọn 11 đơn vị và thực hiện thiết kế bao bì.
- Nội dung cung cấp thông tin, tuyên tuyền: Triển khai thực hiện 2/2 đề án, cụ thể: Phối hợp với cơ quan báo, đài thực hiện hoạt động thông tin tuyên truyền lĩnh vực Công Thương; quảng bá, giới thiệu về sản phẩm, cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề của tỉnh; duy trì website của Trung tâm.
- Chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chương trình khuyến công Triển khai thực hiện 2/2 đề án: Xây dựng, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động khuyến công.
Do ảnh hưởng Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên kết quả 6 tháng đầu năm Trung tâm đang triển khai thực được 18/21 đề án đạt 85,7% kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh năm 2021 được giao. Dự kiến cả năm hoàn thành 100%.
Địa bàn khuyến công thực hiện trên 9/10 huyện, thành phố của tỉnh, trong đó ưu tiên những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và Yên Thế.
Hỗ trợ phát triển các ngành nghề sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, giá trị xuất khẩu lớn, cơ sở công nghiệp nông thôn tạo nhiều lao động (sử dụng từ 50 lao động trở lên), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phát huy lợi thế so sánh, nguồn lực, tài nguyên, nguyên liệu, thị trường và lao động của từng địa phương trong tỉnh.
Nội dung thực hiện tập trung ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ những cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận được công nhận hạng 4 sao và 3 sao OCOP: Sản xuất xe rùa (huyện Tân Yên), sản xuất trà hoa vàng (Lục Nam), sản xuất bánh quế (huyện Tân Yên), sản xuất trà dược liệu (huyện Yên Thế), bảo quản các sản phẩm nông sản (huyện Lục Ngạn).
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh, hỗ trợ mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp: Sản xuất mỳ gạo ( huyện Lục Ngạn), nấm lim (huyện Sơn Động).
Tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết kế, in ấn mẫu mã, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện các hoạt động tuyên truyền thuộc lĩnh vực Công Thương, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm, cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề của tỉnh, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận dễ dàng đến thông tin, chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, tiết kiệm năng lượng, xúc tiến thương mại.
Tuy nhiên, còn một số khó khăn tồn tại như: Triển khai các đề án khuyến công 6 tháng đầu năm còn chậm so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện phải cách ly như Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên phải ngừng hoạt động để phòng dịch.
Các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn ít nên số đề án khuyến công triển khai tại đây chưa nhiều, mặc dù đây là những địa bàn ưu tiên của chương trình khuyến công.
Để hoàn thành kế hoạch cần thực hiện một số các giải pháp sau: Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đề án đang triển khai trên cơ sở đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế đảm các đề án được thực hiện đúng tiến độ, nội dung yêu cầu đề ra, đánh giá hiệu quả của hoạt động khuyến công.
Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố từ khâu khảo sát đến xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh; kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022, đảm bảo đúng đối tượng, ngành nghề, nội dung, mức hỗ trợ theo quy định. Thông qua đó, sẽ bám sát với điều kiện thực tế của từng địa phương./.
Trung tâm KC&XTTM