Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp – xu hướng tất yếu của thời kỳ hội nhập 

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản cao, cùng với dân số tăng nên nhu cầu lương thực trở thành thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Để tiếp tục phát huy những thành quả đã có, tỉnh Bắc Giang đang hướng tới phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi ích toàn diện về cả kinh tế và môi trường sinh thái.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp – xu hướng tất yếu của thời kỳ hội nhập

 HTX Rau sạch Yên Dũng - Chăm sóc dưa lưới trong nhà màng

Ngày 16/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để thực hiện; đặc biệt là Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 Quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 Quy định cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2025. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp đạt 50%, thủy sản đạt 55% và lâm nghiệp đạt 30%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 80%; chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung chiếm 80%. Tỉnh chú trọng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, quan tâm nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Hiện nay toàn tỉnh đã đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: triển khai xây dựng 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, có 585 Hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 48 HTX ứng dụng CNC vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2022 tiếp tục ổn định, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt đạt 15.118 tỷ đồng, tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Nông nghiệp đạt 8.986,5 tỷ đồng, tăng 2,7%; lâm nghiệp đạt 1.724,2 tỷ đồng, tăng 5,8%; thủy sản đạt 4.407,3 tỷ đồng, tăng 0.78%. Giá trị sản phẩm trồng cây hàng năm trên 1 ha ước đạt 92 triệu đồng (tương đương năm 2021 và tăng hơn 2 triệu đồng so năm 2020), giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1 ha ước đạt khoảng 400 triệu đồng (tăng hơn 5 triệu đồng so năm 2020). 

 Tỉnh cũng tập trung xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với nỗ lực đó, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như: HTX Rau sạch Yên Dũng xây dựng 5.000m2 nhà màng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là HTX tiên phong của tỉnh và huyện trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX nói không với hóa chất độc hại, ưu tiên các loại hoạt chất vi sinh, phân bón hữu cơ thân thiện môi trường. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX áp dụng quy tắc “4 đúng” là đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian, từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.

HTX cây ăn quả Lục Ngạn (xã Tân Quang) được thành lập vào năm 2017, đến nay có 22 hộ thành viên, tổng diện tích trồng cam, bưởi đạt trên 50 ha. Đáng chú ý, 100% diện tích cây có múi của HTX đang được sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có 20 ha cam đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2018. Nhờ sản xuất sạch, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang được thương lái đến tận vườn thu mua. Không chỉ có mặt tại các chợ đầu mối lớn trên cả nước, sản phẩm cam VietGAP của HTX đang bước đầu được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Hay tại huyện Yên Thế, tháng 5/2019, HTX Sản xuất, tiêu thụ Dê và Ong mật xã Hồng Kỳ được thành lập (tiền thân là Câu lạc bộ nuôi ong xã Hồng Kỳ). Từ năm 2011, “Mật ong hoa rừng” đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường. Cùng với sự đồng hành của HTX, phong trào nuôi ong đang được nhân rộng ra toàn huyện Yên Thế với khoảng 10 nghìn đàn, hơn 500 hộ nuôi.

Các mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến với diện tích hàng trăm ha tập trung tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam cho giá trị thu nhập bình quân từ 500-800 triệu đồng/ha/năm; sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định thông qua hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Các mô hình sản xuất hoa cao cấp, chất lượng cao ở thành phố Bắc Giang có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã cho doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần so với sản xuất hoa thông thường.

Huyện Lục Ngạn đã mạnh dạn thử nghiệm trồng cây vải thiều theo hướng hữu cơ. Theo phương pháp này, sẽ an toàn cho cả người canh tác, lại không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả vải ngọt và thơm hơn.

Mô hình sản xuất cây có múi được triển khai ở huyện Lục Ngạn trên cây cam Đường Canh và cây cam Vinh với quy mô 35 ha; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất VietGAP; cho thu nhập trung bình từ 500-700 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình sản xuất chè triển khai ở huyện Yên Thế ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng giống mới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng từ 20-30% so với sản xuất thông thường. Kết quả thành công của mô hình đã giúp mở rộng diện tích trồng chè của huyện Yên Thế lên trên 382 ha (có 17 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP) với sản lượng đạt trên 4.826 tấn.

Tập đoàn Hòa Phát triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình công nghệ cao trên diện tích 110 ha tại xã Long Sơn- huyện Sơn Động với quy mô nuôi 5.000 lợn nái, 18.000 lợn thịt/lứa; Tập đoàn Dabaco đầu tư chăn nuôi gia cầm giống bố, mẹ JA tại huyện Yên Thế với quy mô 60.000-70.000 con, áp dụng công nghệ chuồng lạnh khép kín, sử dụng dây truyền tự động trong chăm sóc, thu hoạch sản phẩm; Công ty TNHH 2 thành viên lâm nghiệp Yên Thế trồng rừng ứng dụng công nghệ cao, đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 2.171 ha rừng; Công ty CP 179 chế biến gỗ sâu, xuất khẩu… 

Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích ứng dụng công nghệ cao tăng từ 7-10 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; hiệu quả từ các mô hình đã giúp tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động từ 2-3 lần so với sản xuất thông thường. Đồng thời thu hút các tri thức trẻ có trình độ, năng lực tham gia khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh 2: Mô hình nuôi cá tạo sông trong ao, được du nhập từ nước ngoài.

Tỉnh đã áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong canh tác chiếm trên 39% diện tích cây ăn quả; ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos, phần mềm VietGAP, mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch. Nhờ đó, đến nay tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm: 08 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá), 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng; 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, trong đó một số sản phẩm được bảo hộ nước ngoài như: “Mỳ Chũ”, “Mỳ Kế” được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; “Gà đồi Yên Thế” được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; “Vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ tại Mỹ, Úc, Singapore. Có 60 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, trong đó: 01 chỉ dẫn địa lý, 04 nhãn hiệu chứng nhận, 55 nhãn hiệu tập thể; Nông sản, thuỷ sản, vật nuôi được mùa, tiêu thụ thuận lợi. Năm 2022, năng suất lúa đạt 58,4 tạ/ha (cao hơn 0,2 tạ/ha so với năm 2021, cao nhất từ trước đến nay), vải thiều sản lượng trên 199,5 nghìn tấn; sản lượng thu hoạch cá thương phẩm đạt 52.242 tấn (tăng 4,0% so với năm 2021); sản lượng thịt hơi các loại đạt 252,8 nghìn tấn (tăng 5,1% so với năm 2021); sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m gỗ các loại (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội 19 trước 02 năm). Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều sản phẩm khẳng định vị thế trên thế giới. Diện tích lúa chất lượng đạt 45.010ha, chiếm 46,1% diện tích gieo cấy; diện tích vải theo hướng VietGAP diện tích 15.400ha (tăng 200ha), vải GlobalGAP diện tích 555,5ha (tăng 36,5ha so với năm 2021); lần đầu tiên xuất khẩu được 10 tấn sang thị trường Úc và Hà Quốc và nhiều nông sản khác có tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới; thực hiện số hoá 129 vùng sản xuất hàng hoá tập trung cây ăn quả quy mô từ 10ha (địa phương đầu tiên của cả nước).

Xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn tại huyện Yên Thế (địa phương đầu tiên khu vực miền Bắc và miền Trung); xây dựng trên 80ha vùng nuôi trồng thuỷ sản tự động hoá, diện tích nuôi thuỷ sản thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap đạt 820ha (đã chứng nhận được 316ha); cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC) trên 9.198ha (tăng 2.115ha so với năm 2021).

 Toàn tỉnh có 205 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở nên (31 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 15,1%; 174 sản phẩm đạt 3 sao, đạt 84,9%), đặc biệt tỉnh có 01 sản phẩm (vải thiều Hồng Xuân Lục Ngạn) tiềm năng 5 sao cấp quốc gia và 01 sản phẩm điểm du lịch nông thôn (Du lịch sinh thái, văn hoá Bản Ven). Nhiều sản phẩm trở thành quà biếu sang trọng; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng sẵn có để phát triển về lâu dài cùng với việc hỗ trợ nông dân, cần phải thực hiện một chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn về vốn vay, về KHCN, về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong các khâu nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng - sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên của từng vùng, từng khu vực để có biện pháp tăng cường hỗ trợ KHCN, phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, cả về nội dung cũng như nguồn tài chính. Đối với bản thân người nông dân (doanh nghiệp, chủ trang trại, chủ hộ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình), là đối tượng trung tâm, là người thụ hưởng của các dự án mô hình, bản thân người dân phải có mong muốn vươn lên làm giàu. Từ đó sẽ có ý thức tìm tòi thông tin, học hỏi, tiếp nhận công nghệ mới, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn bền vững./.

N.T. Châm – TT KC&XTTM Bắc Giang

388 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23215446
Lượt truy cập