Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & Thách thức hậu Covid 19 

Ngày 28/4/2020, tại hai đầu cầu Hà Nội (Việt Nam) và New Delhi (Ấn Độ) đã diễn ra Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến thương mại (XTTM) Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & Thách thức hậu Covid 19” do Cục XTTM (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, Ấn Độ tổ chức.
Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & Thách thức hậu Covid 19
Hội thảo có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) Đỗ Quốc Hưng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD ông D.K Aggarwal cùng đại diện gần 150 cơ quan, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú (giữa) phát biểu tại đầu cầu Hà Nội
 
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết, dịch Covid-19 trên toàn cầu từ đầu năm đến nay, đã gây cản trở lớn đến hoạt động XTTM của Việt Nam với thế giới nói chung, với Ấn Độ nói riêng và ảnh hưởng rõ rệt tới một loạt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đã được lên kế hoạch thực hiện của Cục XTTM.
 
“Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Ấn Độ với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn còn những tiềm năng bỏ ngỏ chưa được khai thác. Nhiều sản phẩm của Việt Nam như nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng… được người dân Ấn Độ ưa chuộng và có những sản phẩm của Ấn Độ mà Việt Nam cần nhưng chưa thể hiện diện trên thị trường của nhau, dù nhiều doanh nghiệp hai bên sẵn sàng hợp tác phân phối”, ông Vũ Bá Phú nhận định. 
Ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ phát biểu tại Hội thảo
 
Theo ông Vũ Bá Phú, trong nỗ lực góp phần nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác thương mại giữa Việt Nam với Ấn Độ hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt lên tầm cao mới, chính phủ cùng các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, trong đó Cục XTTM với vai trò dẫn dắt công tác XTTM của Việt Nam, đã và đang đồng hành với nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện đa dạng hoạt động XTTM với Ấn Độ.
 
Trong bối cảnh dịch Covid -19 còn diễn biến khó lường, ông Vũ Bá Phú đề nghị hai nước cần chung tay thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có tính khả thi cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, như: tổ chức các hội thảo, hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ, triển lãm trực tuyến, các sàn thương mại điện tử B2B… để giúp doanh nghiệp hai bên nhanh chóng nối lại dòng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đầu ra cho tiêu thụ của người dân. 
 
Ông Vũ Bá Phú bày tỏ mong muốn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD sẽ có tiếng nói quan trọng tới các cơ quan hữu quan của Ấn Độ để đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam; có phương án hỗ trợ hàng hóa của nhau được lưu thông an toàn, thuận lợi trong đại dịch và sau khi dịch được kiểm soát ổn thỏa; hạn chế áp dụng những biện pháp làm cản trở thương mại song phương như điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp… 
 
“Cục XTTM luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD kết nối kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài, cùng phát triển bền vững với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.
 
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) cũng đề nghị thời gian tới, Ấn Độ sẽ hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại với những sản phẩm của Việt Nam: thép mạ nhôm kẽm, dây đồng và ông thép không gỉ, khung in offset kỹ thuật số, gỗ ván ép, sợi cũng như xem xét hủy bỏ các biện pháp hạn chế thương mại như giá tối thiểu hay giấy phép nhập khẩu đối với sản phẩm như hương nhang.
 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 2,345 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,398 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 1,055 tỷ USD. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu sang Ấn Độ 343 triệu USD.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại đầu cầu New Delhi, Ấn Độ
 
Không chỉ có nhiều tiềm năng về hợp tác thương mại, hợp tác đầu tư Việt Nam - Ấn Độ cũng có nhiều triển vọng. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, hiện nhiều Tập đoàn lớn của Ấn Độ như ONGC - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ, Tập đoàn Essar, NTPC, HCL, GMR…đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
 
Tập đoàn Essar mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng một khu tích hợp tổng thể trị giá khoảng 8 tỷ USD bao gồm nhà máy điện sử dụng khí, đầu tư các trạm biến áp, công trình truyền tải, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất phân bón.
 
Tập đoàn HCL đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam với tầm nhìn, mục tiêu đào tạo, tuyển dụng, phát triển nhân lực cho một chuỗi trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin gồm 10 nghìn – 20 nghìn kỹ sư trên toàn bộ Việt Nam. Trước mắt, HCL cũng mong muốn thành lập một trung tâm công nghệ ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD sẽ đào tạo và tuyển dụng khoảng 10 nghìn kỹ sư trong 5 năm tới…
 
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết thêm, theo nghiên cứu của công ty tư vấn tài chính Nomura (Nhật Bản) về 56 công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chỉ có 3 trong số này chuyển tới Ấn Độ trong khi 26 đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan và 8 tới Thái Lan.
 
Các đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD, Ấn Độ đã cập rằng Ấn Độ chia sẻ mối quan hệ thân mật với Việt Nam từ năm 1950. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam là một ví dụ hoàn hảo về chính sách hướng đông của Ấn Độ và chính sách hướng Tây của Việt Nam với rất nhiều cơ hội kinh doanh. Các doanh nghiệp Ấn Độ hết sức quan tâm tới các chương trình giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, đồng thời mong muốn có cơ hội đến tham quan, giao dịch tại các  triển lãm lớn của Việt Nam khi dịch kết thúc, trong đó có Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) và Triển lãm Công nghiệp Việt Nam.
 
Thông qua Hội thảo, các bên đã cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác xúc tiến thương mại vì lợi ích của doanh nghiệp đôi bên, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp an toàn vượt qua đại dịch, chuẩn bị sẵn lực lượng ứng phó nhanh với các diễn biến thương mại, diễn biến thị trường sau khi dịch Covid 19 kết thúc, phấn đấu sẽ sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD trong năm 2020 mà hai nước đã đề ra.
Theo Cục xúc tiến thương mại
4684 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23006685
Lượt truy cập