Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị tổng kết
Sáng 23/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020.
Đánh giá cao công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho hay, đến hết năm 2018 có chưa đến 30% số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình thì đến nay đã có 63/63 tỉnh/thành phố triển khai Chương trình, 59/63 tỉnh thành tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm. Việc này cho thấy nhận thức, ý thức chỉ đạo triển khai Chương trình ngày càng tích cực hơn.
Đến nay đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó, khu vực tư nhân chiếm 59%, 27% là doanh nghiệp còn lại là hợp tác xã cho thấy mục tiêu là rất đúng hướng. Đây là cơ sở, là thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.Ngoài các địa phương triển khai Chương trình theo chiều sâu như Quảng Ninh, TP. Hà Nội thì các địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả đều nằm ở 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Việc này, cho thấy sự phù hợp của việc phát triển Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở các khu vực còn khó khăn.
Theo báo cáo của 59 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, công nhận có 4.469/6.210 (72%) sản phẩm tham gia chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020), cho thấy việc nhận diện và phát triển trục sản phẩm địa phương của Chương trình OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là hết sức đúng đắn. Mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP ngày càng phát triển thể hiện trình độ sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ hơn…
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, một thành công nữa của Chương trình đó là công tác xúc tiến thương mại được các Bộ, ngành triển khai tích cực và có hiệu quả. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã nhanh chóng ban hành Tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP giúp cho cả nước có trên 142 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Hội chợ triển lãm cấp tỉnh, cấp khu vực với sự tham gia của hơn 10 nghìn gian hàng OCOP đã trở thành thương hiệu của địa phương và điểm đến của người tiêu dùng. Hệ thống bán lẻ trên toàn quốc, các trung tâm thương mại lớn đã tích cực tham gia tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, trong bối cảnh mới, trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế về phong trào OCOP, OVOP…
|
Gian hàng OCOP của Quảng Ninh thu hút đông đảo các đại biểu đến tham quan |
Không làm sản phẩm OCOP theo “phong trào”
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho rằng chương trình OCOP vẫn bộc lộ hạn chế, trước hết sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm, một số địa phương có biểu hiện "chạy theo phong trào" thành tích. Đây là điều cần chấn chỉnh vì chưa đi vào thực chất, dựa vào lợi thế đặc trưng văn hoá, dân tộc; chưa thực sự quan tâm đến giải pháp hỗ trợ cụ thể cho chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP quan tâm tới mẫu mã mà chưa chú trọng chất lượng. Quy mô sản phẩm OCOP còn khiêm tốn. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa thu hút được người tiêu dùng. Nguồn vốn phát triển OCOP còn khó khăn... Vai trò động lực của doanh nghiệp, HTX còn hạn chế. Chương trình chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, chủ yếu là DN, HTX tâm huyết đứng ra làm.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lớn để phát triển đất nước. Trong đó, việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, "hạt nhân" tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, người dân nông thôn được cải thiện đời sống, văn hóa. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.
"Trong đó, phải tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một Chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Phải xác định đây là Chương trình mang tính dài hạn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.
Trong quá trình triển khai, tuyệt đối không được làm theo phong trào, thậm chí xảy ra tình trạng “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác.
"Không được làm theo phong trào, phải làm theo quy luật cung cầu; trong đó gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các Hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Đồng thời, có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng KHCN để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP.
Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia của các phát biểu tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị để tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, để xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm, như: các làng nghề truyền thống ở đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long...
Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
|
Theo nguồn Công Thương