Kết quả xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu và thị trường:
Lúa gạo
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 591 nghìn tấn với giá trị đạt 265 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,54 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, tăng 0,3% về khối lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 433 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2018. Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 34,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1,46 triệu tấn và 589,4 triệu USD, gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Bẩy tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Bờ Biển Ngà (+64,5%), Úc (63,9%), Hồng Kông (+43,5%), Ả rập xê út (+31,3) và Irắc (24,8%).
Sắn và các sản phẩm từ sắn
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8 năm 2019 ước đạt 205 nghìn tấn với giá trị đạt 81 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,57 triệu tấn và 608 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 88,5% thị phần, giảm 14,1% về khối lượng và giảm 9,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Rau quả
Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 8 năm 2019 ước đạt 246 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,53 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 70% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Bẩy tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào (gấp 2,84 lần), Hồng Kông (gấp 2,37 lần), Đài Loan (44%), Hà Lan (+37,9%), Úc (+33,9%) và Nhật Bản (+25,9%).
Cà phê
Xuất khẩu cà phê tháng 8 năm 2019 ước đạt 109 nghìn tấn với giá trị đạt 184 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,17 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,7% và 9%. Bẩy tháng đầu năm 2019, ngoại trừ hai thị trường Philippine và Malaysia có giá trị xuất khẩu cà phê tăng (+22,1% và +3,7%), hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Dự báo, giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, tuy nhiên giá sẽ vẫn ở mức thấp của nhiều năm.
Tiêu
Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 20 nghìn tấn, với giá trị đạt 50 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 220 nghìn tấn và 561 triệu USD, tăng 27,4% về khối lượng nhưng giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với 36,8% thị phần.
Áp lực dư cung trên thị trường thế giới tiếp tục tăng khi hai nước sản xuất lớn gồm Indonesia và Brazil đã bước vào vụ thu hoạch, và tồn kho của các nước sản xuất lớn vẫn còn nhiều. Dự báo, giá tiêu thời gian tới sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung hạt tiêu trên toàn thế giới vẫn đang được bổ sung, trong khi nhu cầu không có sự tăng trưởng đáng kể.
Điều
Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 47 nghìn tấn với giá trị 322 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 287 nghìn tấn và 2,1 tỷ USD, tăng 18,8% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 7.468 USD/tấn, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 32,7%, 15% và 9,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Bẩy tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Bỉ (+38,9%), Trung Quốc (31,1%), Đức (+22,1%) và Tây Ban Nha (+12,5%).
Chè
Khối lượng xuất khẩu chè tháng 8năm 2019 ước đạt 15 nghìn tấn với giá trị đạt 29 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 83 nghìn tấn và 150 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1.767 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 35,6% thị phần – tăng 28,3% về khối lượng và tăng 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Theo vietnamexport tổng hợp