Giữa trưa, khi trời đang nắng như đổ lửa, chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Hoàng Tiến, thị trấn Vôi (Lạng Giang) để cùng đoàn xe đi “ăn hàng” vải thiều. Qua huyện Lạng Giang, Lục Nam đến Lục Ngạn xuất hiện nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh nhưng được giải quyết nhanh gọn, những người có mặt trên xe đều có kết quả test nhanh âm tính với virut Sars-Cov-2, đã tiêm phòng vắc-xin, có đầy đủ giấy tờ, thân nhiệt ổn định…
Ưu tiên xe “luồng xanh”
Hơn 15 giờ, xe đến điểm nhận hàng ở xã Phì Điền (Lục Ngạn), quốc lộ 31 có vài điểm tắc song được giải tỏa nhanh, tại các điểm cân, hàng trăm người đang hối hả cắt cuống, ngâm vải vào nước lạnh, đóng thùng xốp… Tranh thủ lúc đợi lấy hàng, chúng tôi trò chuyện với anh Vi Văn Sáu, chủ điểm cân vải. Anh Sáu cho biết, gần 20 năm thu mua vải thiều, so với mọi năm, vụ vải này gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn lao động thiếu hụt.
Trung bình mỗi ngày, gia đình anh gom khoảng 30 tấn quả. Để sơ chế, đóng thùng hết số lượng đó, bảo đảm thời gian theo hợp đồng, anh phải thuê gần 20 người. “Năm nay các doanh nhân, đầu mối trong nước và Trung Quốc không đến Lục Ngạn trực tiếp thu mua được nên họ ủy quyền cho chúng tôi, tiền cũng chuyển khoản đầy đủ. Do vậy chúng tôi càng có ý thức thực hiện đúng thỏa thuận, giữ uy tín và chất lượng vải thiều xuất bán”, anh Sáu khẳng định.
Trong thời gian chờ xếp khoảng một nghìn thùng xốp lên xe đầu kéo dài gần 20 m, lái xe Đinh Văn Quyết chợp mắt để có sức chạy xe ban đêm. Đến 22 giờ, xe đã được chất đầy vải, những “cửu vạn” lực lưỡng, người ướt đẫm mồ hôi và nước đá ướp vải khóa cửa thùng xe, nhận tiền công. Lái xe Đinh Văn Quyết kiểm tra lại lần cuối trước khi chuyển bánh, cậu quyết định không đậy bạt che vì ban đêm trời mát. Sinh năm 1990 nhưng Quyết đã có thâm niên hơn chục năm ôm vô-lăng xe tải, có mặt ở tất cả các cửa khẩu. Đây là chuyến chở vải thiều đầu tiên trong vụ này của Quyết.
Vượt qua đèo Quao từ xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) trong đêm, sương mù bất chợt kéo về khiến tầm nhìn ngắn lại. Ánh đèn của điểm chốt phía tỉnh Lạng Sơn hiện ra, lái xe Quyết cầm những giấy tờ cần thiết nhảy xuống, mọi thủ tục kiểm tra diễn ra chỉ vài phút rồi tiếp tục lên đường.
Trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu vải thiều, các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe cần tuân thủ nghiêm túc những quy định, điều kiện về người, phương tiện, hàng hóa, phòng, chống dịch bệnh của phía Việt Nam và Trung Quốc.
|
Nhờ có luồng xanh nên mặc dù chở hàng nặng nhưng cuối cùng đoàn xe cũng đến Bến xe Tân Thanh chỉ sau khoảng 4 giờ. Ngay từ cổng đã có tấm bảng ghi rõ “Luồng dành riêng cho vải thiều xuất khẩu”. Mặc dù đã rất muộn nhưng nhân viên của Công ty cổ phần Vận tải thương mại Bảo Nguyên, đơn vị quản lý, khai thác Bến xe Tân Thanh vẫn kiên trì hướng dẫn từng xe vào khu vực bãi đỗ riêng dành cho xe chở vải thiều.
Vừa ngả lưng chập chờn trong ca-bin xe được một lát, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng người nói xôn xao khi một số xe sang hàng, lái xe làm thủ tục xuất khẩu… Vài chiếc xe chuyên dụng của lực lượng quân đội lắp máy bơm cỡ lớn đi nhiều vòng phun dung dịch khử khuẩn, bảo đảm phòng dịch.
|
Lái xe thực hiện khai báo y tế, được kiểm tra thân nhiệt tại các chốt kiểm dịch.
|
Không khí ở bãi đỗ chợt sôi động, khẩn trương, ai cũng hối hả đưa thật nhanh những chuyến xe chở đầy vài thiều sang bên kia biên giới. Đại diện Công ty cổ phần Vận tải thương mại Bảo Nguyên cho biết, đơn vị bố trí diện tích hàng nghìn m2, cùng lúc có thể cho vài trăm xe công-ten-nơ chở vải thiều đỗ, có làn đi riêng, ưu tiên vào và xuất bến nhanh nhất. Ngoài ra, lái xe đến từ Bắc Giang được sắp xếp vào khu vực tập trung, thuận tiện cho việc phục vụ, sinh hoạt và bảo đảm phòng dịch bệnh.
Thông quan nhanh chóng
Chúng tôi cùng anh Đinh Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh đi dọc tuyến từ bến xe lên đến cửa khẩu. Đoàn xe nối đuôi nhau chạy đến chốt dưới sự hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Tiếng máy của những chiếc xe nặng vài chục tấn chầm chậm lên dốc, đi đúng làn dành riêng. Anh Kiên cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 60 nghìn tấn vải thiều được xuất khẩu qua Tân Thanh.
Do có sự phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang nên trước khi bước vào vụ vải thiều, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc. Mỗi ngày có 200-250 xe qua cửa khẩu thì có đến một nửa là xe chở vải thiều, từ bãi tập kết đến cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn bố trí luồng xe riêng, xếp vải thiều tươi vào danh sách loại hàng hóa ưu tiên “luồng xanh”, thông quan nhanh chóng, không để ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Thông thường, mỗi chuyến chở vải đến Tân Thanh chỉ sau 30 phút đến một tiếng đồng hồ là xuất ngoại.
Mang những điều trực tiếp trải nghiệm ở khu vực biên giới trao đổi với đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, được biết để chủ động tiêu thụ vải thiều, Sở thành lập hai tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu của tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Tổ 1 do ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại làm Tổ trưởng, thường trực hỗ trợ xuất khẩu tại cửa khẩu Lạng Sơn. Tổ 2 do ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại làm Tổ trưởng, thường trực hỗ trợ xuất khẩu tại cửa khẩu Lào Cai.
|
Xe chuyên dụng phun thuốc khử khuẩn phương tiện chở vải thiều.
|
Qua nắm bắt thông tin từ Lào Cai cho thấy, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạo “làn xanh” ưu tiên thủ tục, hồ sơ hải quan để tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu vải thiều qua Cửa khẩu đường bộ Kim Thành sang Trung Quốc. Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã có Công hàm gửi huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đề nghị tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để quả vải tươi của Việt Nam thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc).
Tỉnh Lào Cai cũng đề nghị cơ quan chức năng Trung Quốc tăng số lượng đội lái xe chuyên trách để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành; những ngày cao điểm, bố trí lực lượng chức năng làm việc thêm giờ để kịp thời xuất khẩu vải thiều.
Mùa vải thiều đang vào chính vụ, thời gian thu hoạch ngắn nên việc tạo điều kiện hỗ trợ của các cơ quan quản lý cửa khẩu trong lưu thông hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần cho sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, bà con trồng vải vui đón mùa quả ngọt.
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/