Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Bắc Giang – Kết quả Hoạt động ngành Công Thương năm 2024, nhiệm vụ năm 2025 

Năm 2024, ngành công thương tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt việc quản lý trong sản xuất công nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa và các sản phẩm của tỉnh, đạt được nhiều thành quả. Đây là bước đệm quan trọng để triển khai các kế hoạch trọng điểm trong năm 2025.
Bắc Giang – Kết quả Hoạt động ngành Công Thương năm 2024, nhiệm vụ năm 2025

Về giá trị sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Năm 2024 ước tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, ước tăng 30% so với cùng kỳ và tăng 9,0% so với kế hoạch năm. Trong đó, ngành khai khoáng ước tăng 11,0% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 32,0%; ngành sản xuất, phân phối điện ước tăng 15,0%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải ước tăng 7,0%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): Ước thực hiện cả năm đạt 576.810 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ và tăng 7,7% so với kế hoạch năm.

Về hoạt động thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Ước thực hiện cả năm 2024 đạt 64.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và và bằng 100% so với kế hoạch năm.

Về hoạt động xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 33.000 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ và đạt 100% so với kế hoạch. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ và một số nước khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Hàng dệt, may, da, giày; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện các loại; thiết bị điện; sản phẩm từ chất dẻo và một số loại hàng hóa khác. Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ước đạt 27.000 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ và bằng 100% kế hoạch năm. Thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác. Các sản phẩm nhập khẩu: Nguyên liệu, phụ liệu hàng dệt may, da, giầy phục vụ cho sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu; sản xuất linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, máy móc thiết bị...

Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Sở nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao đảm bảo đúng thời hạn, chất lượng và hiệu quả. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo quyết liệt, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao. Thực hiện kiểm tra, giám sát đôn đốc việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Tỉnh về lĩnh vực công thương; có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trong đó phân rõ đầu mối, thời gian thực hiện. Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Công Thương đã góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

(1). Chỉ đạo  hoàn thành đóng điện MBA T1 63MVA công trình đường dây và TBA 110kV Tân Hưng; đóng điện dự án (i) Cải tạo đường dây 220kV Nhiệt điện Phả Lại - Bắc Giang, 1 mạch thành 2 mạch; (ii) TBA 110kV Vân Trung 2 và nhánh rẽ; (iii) đường dây và TBA 110kV Bắc Lũng; hỗ trợ các thủ tục hành chính để sớm khởi công đối với dự án Trạm biến áp 220KV Yên Dũng và tuyến đường dây đấu nối.

(2). Đạt tỷ lệ 65,8%/ CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (tương đương thêm 03 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung gồm CCN JUTECH, CCN Bãi Ổi, CCN Hương Sơn); thành lập mới từ 01 đến 02 cụm công nghiệp (đã thành lập thêm mới CCN Ngọc Châu, huyện Tân Yên (75ha) tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 05/02/2024). Chủ trì đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư vào các CCN: Đến nay một số CCN đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB như: CCN Yên Lư đã hoàn thành 100% diện tích; CCN Tăng Tiến đạt 99%; CCN JUTECH đạt 96%...

(3). Tham mưu UBND tỉnh  ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện Kế hoạch tiếp xúc, thu hút các nhà đầu tư lớn về dự án thương mại, dịch vụ trên các địa bàn đô thị của tỉnh; huyện Lục Ngạn có thêm ít nhất 01 trung tâm thương mại hoặc siêu thị đi vào hoạt động. Trong năm 2024, trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã có thêm 01 Siêu thị The City Lục Ngạn của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ The City Việt Nam, địa chỉ: Tổ dân phố mới, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đi vào hoạt động; trong đó, quy mô: Siêu thị hạng II; lĩnh vực kinh doanh: Dịch vụ tổng hợp; diện tích kinh doanh: 3.945m2. Siêu thị The City Lục Ngạn đã được Sở Công Thương phê duyệt Nội quy tại Quyết định số 136/QĐ-SCT ngày 24/9/2024.

(4). Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại; tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều: Ngay từ đầu năm Sở Công Thương đã chủ động triển khai nhiệm vụ xúc tiến và tiêu thụ vải thiều: (i). Tham mưu UBND tỉnh sớm có văn bản, Công hàm gửi Sở Thương mại và các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây, Thị Bằng Tường, huyện Hà Khẩu; các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố, Lãnh sự quán, Tham tán thương mại, cơ quan thương vụ các nước quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tiêu thụ vải thiều; mời gọi, kết nối giao thương, giới thiệu cho tỉnh Bắc Giang các doanh nghiệp, thương nhân lớn, có kinh nghiệm, uy tín tiến hành thu mua, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang; (ii). Tham mưu UBND tỉnh tổ chức đón tiếp đoàn Sở Thương Mại và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào tỉnh khảo sát thị trường, giao dịch với doanh nghiệp trong tỉnh; trao đổi cơ hội về đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu vải thiều và nông sản chủ lực của tỉnh; (iii). Làm việc với đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ và Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ; đoàn doanh nghiệp Pháp và Đức và nguyên cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Đức trao đổi các biện pháp phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu quả vải tươi của tỉnh sang thị trường Bắc Mỹ năm 2025; (iv). Phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị ký kết Biên bản hợp tác tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo; (v). Tổ chức thành công Hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Thương mại và các cơ quan chức năng của tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 2024; (vi). Tham gia Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5 của Bộ Công Thương, với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ”.

(5). Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo điều hành tốt việc tiết kiệm, cung ứng điện cho sản xuất và đời sống: Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định, văn bản chỉ đạo về phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 31/01/2024 phê duyệt Phương án cung ứng điện năm 2024 khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn điện hoặc vận hành trong chế độ cực kỳ khẩn cấp; Quyết định số 67/QĐ-BCĐ ngày 14/5/2024 của Ban Chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang về việc thành lập Tổ kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 50/KH-BCĐ ngày 13/5/2024 của Ban Chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh Bắc Giang về việc kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện mùa nắng nóng 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Văn bản số 3534/UBND-KTTH ngày 03/7/2024 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Sở Công Thương ban hành Quyết định số 62/QĐ-SCT ngày 03/5/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tỉnh Bắc Giang năm 2024 (Tập trung vào 05 nội dung: Thông tin, tuyên truyền; phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao trong chiếu sáng học đường; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình toà nhà và cơ quan, công sở; phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao trong chiếu sáng công cộng ).

Tham mưu tháo gỡ vướng mắc để bàn giao các HTX điện về cho ngành điện quản lý: Hiện nay, Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 đã hết hiệu lực; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2024/NĐ-CP ngày 10/01/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam Quản lý (có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2024) thay thế Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, bàn giao, tiếp nhận các công trình điện sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, bảo đảm an toàn, kịp thời phục vụ việc cung cấp điện. Cùng với đó, Sở Công Thương đã tham mưu và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản số 1609/UBND-KTTH ngày 01/4/2024 triển khai thực hiện Nghị định số 02/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Công Thương đã thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chuyển giao công trình điện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý.

Năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm ngành Công thương:

Về phát triển kinh tế: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): 125,0%; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010): 691.852 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2024. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế): 852.006 tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: 68.500 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu: 37.000 triệu USD, tăng 12,1% so với năm 2024. Kim ngạch nhập khẩu: 30.000 triệu USD, tăng 11,1% so với năm 2024.

Các nhiệm vụ chính, trọng tâm

- Phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao một số chỉ tiêu ngành Công Thương trong phát triển KTXH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Tham mưu các giải pháp hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 395/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy.

- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các KCN, CCN sớm đưa vào hoạt động, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân/doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khuyến công, thương mại điện tử, công tác xúc tiến thương mại: hỗ trợ, cung cấp nhiều thông tin thị trường trong nước và thế giới cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên website của tỉnh (www.bacgiang.gov.vn), ngành Công Thương (www.bacgiangintrade.gov.vn); sàn giao dịch thương mại điện tử (www.san24h.vn), mạng xã hội … tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người sản xuất kết nối cung cầu.

Một số giải pháo thực hiện nhiệm vụ năm 2025

1. Tập trung làm tốt công tác dự báo; chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực của ngành

- Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, bám sát và nắm chắc tình hình, điều hành linh hoạt với các giải pháp phù hợp, cụ thể; tập trung lãnh chỉ đạo toàn ngành Công Thương; phát huy sức mạnh tập thể giải quyết công việc đúng thẩm quyền, chủ động, sáng tạo đồng thời đề cao tinh thần phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của ngành đề ra và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Tăng cường công tác tham mưu với UBND tỉnh nhằm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành; theo dõi sự tác động của cơ chế, chính sách; kịp thời đề xuất điều chỉnh nhằm bảo đảm cơ chế, chính sách phát huy được hiệu quả khi áp dụng vào thực tế; đề xuất xây dựng chính sách mới, phù hợp với điều kiện khách quan và nhu cầu phát triển...

2. Tiếp tục tăng cường đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định

- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Thường xuyên trao đổi thông tin cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương hướng giải quyết.

- Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp và đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Quan tâm giải quyết ách tắc trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khai thác tối đa năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

3. Nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp

- Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở trong nước.

- Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới.

- Hoàn thiện hạ tầng các CCN; tích cực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; tham mưu tốt và hoàn thành kế hoạch đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp về hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các Cụm công nghiệp đi vào hoạt động theo kế hoạch đã đề ra.

4. Làm tốt công tác thương mại, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

- Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các ngành liên quan tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu phía đối tác ngay tại nơi sản xuất. Đồng thời hướng dẫn, triển khai tốt công tác truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng cũng như các yêu cầu liên quan đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, tránh ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.

- Tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu: Chủ động kết nối với các tập đoàn, kênh phân phối, các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, các vùng lân cận để tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân (vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ, rau chế biến, rau an toàn…).

- Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết; kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

- Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng có hiệu quả phương thức kinh doanh này. Đẩy nhanh triển khai hoạt động thống kê thương mại điện tử, xây dựng mô hình thương mại điện tử phù hợp với trình độ của các doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

5. Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công thương và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng

- Tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, qua đó thực hiện đơn giản hóa các quy định, TTHC hiện hành của Sở theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công thương, trọng tâm là các lĩnh vực dễ gây bức xúc cho người dân như: quản lý điện, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; quản lý các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại có điều kiện… Thực hiện nghiêm túc lịch tiếp dân theo quy định, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh (nếu có) sau mỗi kỳ tiếp dân.

- Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, chuyển biến tư duy từ quản lý hành chính sang tư duy phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức phục vụ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; góp phần nâng cao tín nhiệm của ngành và của tỉnh

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức toàn ngành. Thường xuyên kiểm tra ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý tài chính, cấp phép …

- Triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024 theo Kế hoạch đã được phê duyệt; tổ chức tiếp công dân định kỳ, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo quy định.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kiểm soát TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong chỉ đạo điều hành; tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng.

- Tiếp tục duy trì thực hiện tốt Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 02/6/2023 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ.

Ong Hậu (Phòng KHTH ) Sở Công Thương - Tổng hợp 

17 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23122380
Lượt truy cập