Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Bắc Giang kết thúc tiêu thụ vụ vải thiều thành công tốt đẹp 

Năm 2022, do biến đổi khí hậu thời tiết lạnh kéo dài đã tác động tới quá trình sinh trưởng phát triển của cây vải, làm cho trái vải chín muộn hơn so với mọi năm khoảng từ 15-20 ngày. Song, ngay từ những ngày đầu năm tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác dự báo, tính toán cụ thể về sản lượng, khung thời vụ thu hoạch các trà vải; công tác dự báo thị trường sớm được nghiên cứu, tổ chức đánh giá kỹ lưỡng, bài bản; công tác quản lý dịch bệnh Covid-19 được quan tâm sát sao và không để xảy ra trong cộng đồng, bảo đảm an toàn dịch bệnh từ khâu sản xuất, chế biến đến khi tiêu thụ; công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình canh tác được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, với phương châm nhất quán và xuyên suốt lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có của Vải thiều Bắc Giang làm tiêu chí sản xuất, khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu với chất lượng cao nhất phục vụ người
Bắc Giang kết thúc tiêu thụ vụ vải thiều thành công tốt đẹp

                                                          Mùa vải thiều năm 2022 Mở rộng thị trường, tiêu thụ thuận lợi 

            Năm nay, mùa thu hoạch vải thiều diễn ra khi cả nước đã kiểm soát được dịch Covid-19 song lại phải đối mặt với những khó khăn do tác động của tình hình thế giới. Việc kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu để phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc- quốc gia nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ nông sản của tỉnh. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo tỉnh, sự năng động, sáng tạo của thương nhân, nông dân, Bắc Giang vẫn có vụ vải thiều thành công.

           Theo Sở Công Thương, lường trước các tình huống xấu, ngay từ tháng 3, tỉnh đã chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Tham tán Kinh tế Việt Nam ở nước ngoài kết nối, bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều sang thị trường này. Thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nhà vườn tuân thủ nghiêm quy định về thu hoạch, đóng gói vải thiều theo yêu cầu của từng thị trường; quản lý chặt chẽ mã vùng trồng, không để xảy ra gian lận, tạo sự tin tưởng của các thương nhân, doanh nghiệp thu mua vải thiều Bắc Giang.

            Bằng các giải pháp quyết liệt, vải thiều Bắc Giang được ưu tiên luồng riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Xe chở vải thiều có khu vực đỗ riêng, di chuyển thẳng đến nơi làm thủ tục thông quan, không phải đưa vào vùng đệm. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc áp dụng tháo đầu xe kéo hàng thay vì hoán đổi tài xế như năm ngoái để nhập khẩu vải thiều nên thời gian thông quan lâu hơn. Bình quân mỗi ngày có 120-150 xe vải thiều sang Trung Quốc, chiếm khoảng 70% tổng số xe nông sản xuất khẩu. Ước tính, toàn tỉnh xuất khẩu hơn 80 nghìn tấn vải thiều sang Trung Quốc, tăng gần gấp đôi so với kịch bản tiêu thụ.

            Với phương châm coi trọng tất cả các thị trường nên vải thiều được khơi thông, ngày càng mở rộng ở thị trường mới. Trong nước, vải thiều được tiêu thụ nhiều ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên... Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối và chợ truyền thống. Lần đầu tiên, vải thiều xuất khẩu chính ngạch sang Thái Lan thông qua Tập đoàn Vina T&T Group. 

            Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: “Được nếm trái vải thiều, nhiều người tiêu dùng Thái Lan ngạc nhiên, không nghĩ Bắc Giang lại có loại quả ngon như vậy. Vì thế, hàng hóa của đơn vị đưa vào kệ trong siêu thị tại Thái Lan bán hết ngay trong ngày đầu. Với thành công này, năm tới đơn vị tiếp tục liên kết, đưa vải sang thị trường này”.

            Cùng với Thái Lan, vải thiều ngày càng chiếm lĩnh ở thị trường cao cấp, khó tính. Đơn cử, năm nay, hơn 50 tấn được tiêu thụ tại Hoa Kỳ (năm 2021 là 5 tấn); Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... hơn 100 tấn, tăng gấp đôi so với vụ trước.

            Năm 2022, tổng diện tích trồng vải an toàn toàn của tỉnh tiếp tục duy trì 28.300 ha, trong đó: Vải chín sớm là 6.050 ha, vải chín muộn là 22.250 ha; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng 1.000 tấn; Duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; sản lượng 1.600 tấn để xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; tiếp tục chỉ đạo 34 mã số vùng trồng, diện tích 267 ha, sản lượng 2.100 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; duy trì 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 95.000 tấn.

          Tuy tiếp tục được mùa song giá vải chính vụ có khoảng dao động lớn, qua đó vải chất lượng tiếp tục khẳng định ưu thế. Anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi có 1 ha vải thiều sản xuất theo quy trình GlobalGAP, thu được hơn 10 tấn quả. Dù nhiều thời điểm giá vải bình quân trên thị trường ở mức thấp nhưng gia đình tôi vẫn bán được 30 nghìn đồng/kg vải cắt cuống, tổng thu từ vải vụ này đạt khoảng 200 triệu đồng, tương đương năm trước”.

            Tuy vậy, nhìn nhận thẳng thắn ở vụ vải thiều này thì thấy vẫn còn không ít trăn trở như xuất hiện tình trạng gian lận thương mại trong thu mua sản phẩm. Một số trang mạng xã hội đưa tin thất thiệt, không đúng về sản phẩm. Có thời điểm xe chở vải thiều ùn ứ kéo dài tại cửa khẩu khiến sản phẩm hư hỏng, gây thiệt hại cho thương nhân. Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm chế biến sâu nhưng Bắc Giang vẫn chủ yếu cung cấp vải thiều tươi. Nguyên nhân là do việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiên tiến trong bảo quản vải thiều chưa được nhân rộng. Chất lượng quả vải không đồng đều giữa các địa phương dẫn đến biên độ giá bán dao động lớn, một số khu vực có chất lượng vải chưa cao đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu vải thiều.

            Một trong những thành công có được ở vụ vải này là do tỉnh đã chủ động nắm bắt, đề xuất tháo gỡ khó khăn. Đổi mới xúc tiến thương mại khi lần đầu tiên hội nghị xúc tiến trực tiếp, kết hợp trực tuyến được tổ chức quy mô lớn với khoảng 100 điểm cầu trong nước và quốc tế. Điều này đã giúp người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm, quy trình sản xuất cũng như thông điệp của tỉnh đối với vải thiều. Các tổ chức, cá nhân đến thu mua vải thiều đã được hỗ trợ tối đa. Tỉnh cũng lần đầu tiên đưa sản phẩm xúc tiến sâu tại tỉnh Tiền Giang và tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại song phương tại thị trường Hoa Kỳ. Vậy nhưng, yếu tố mấu chốt để mùa vải thiều thành công vẫn là chất lượng, phẩm cấp của sản phẩm.

             Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, chất lượng sản phẩm là điều kiện quan trọng khẳng định giá trị. Để đón mùa vải ngọt tiếp theo, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cần được chú trọng, coi đây là yếu tố sống còn trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều. Các sở, ngành chuyên môn phối hợp, tiếp tục lựa chọn đưa công nghệ, tiến bộ phù hợp theo hướng tăng giá trị, chế biến sâu.

             Đi đôi với giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường đàm phán, liên kết xuất khẩu chính ngạch vải thiều để hạn chế rủi ro.

             Sau đây là tổng thể báo cáo Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2022; phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm 2023. Tỉnh Bắc Giang trân trọng báo cáo và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp, các thương nhân kinh doanh vải thiều nói riêng và nông sản nói chung trong và ngoài nước./

              Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang – tổng hợp

 

 TONG KET VAI THIEU NĂM 2022.pdf
238 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21857738
Lượt truy cập