Hiện nay, quả vải tươi của Bắc Giang được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, đến thời điểm này đạt (trên 11.000 tấn) và một số ít (khoảng 13 tấn) xuất khẩu sang Australia.
Ngoài ra, vải thiều Bắc Giang đã và đang được tiêu thụ khắp toàn quốc; trong đó, nhiều nhất là ở các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với số lượng khoảng 27.756 tấn.
Đáng chú ý, hưởng ứng Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang tại Hà Nội năm 2017, sản lượng vải thiều Bắc Giang đã cung ứng tại hệ thống siêu thị Big C là 45 tấn, hệ thống siêu thị Hapro là hơn 3 tấn, Sài Gòn Co.op khoảng 2 tấn...
Vải thiều Bắc Giang bán tại các hệ thống siêu thị này là vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có chất lượng cao nên tiêu thụ rất thuận lợi, giá tương đối cao; trong đó vải thiều tươi nguyên chùm hiện được niêm yết giá 55.000 đồng/kg, vải thiều tươi cắt cuống, đóng hộp, hoặc đóng trong túi lưới có giá niêm yết từ 68.000-72.000 đồng/kg.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện nay đang là thời điểm cuối vụ vải sớm và thời điểm đầu thu hoạch vải chính vụ của tỉnh. Việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều trong toàn tỉnh tương đối thuận lợi. Giá bán vải thiều Bắc Giang hiện đang ở mức tương đối cao, cao hơn năm 2016 khoảng từ 15.000-25.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá bán vải thiều giống U hồng dao động từ 25.000-40.000 đồng/kg, vải thiều giống Thanh Hà giá bán từ 58.000-72.000 đồng/kg. Tại các cửa khẩu, giá vải thiều dao động bình quân khoảng từ 15-20 nhân dân tệ/kg.
Mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi, sản lượng vải thiều giảm, song người trồng vải Bắc Giang hy vọng vải thiều sẽ bán được với giá cao hơn sẽ bù đắp, không làm giảm nhiều thu nhập của họ từ các vườn vải.
Để vụ thu hoạch vải thiều năm nay đạt hiệu quả cao, ngành công thương tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn trong trồng, chăm sóc vải để quả vải đạt chất lượng tốt nhất, đảm bảo uy tín và thương hiệu vải thiều Bắc Giang.
Cùng với đó, người dân cần thu hoạch vải thiều đúng thời điểm để không ảnh hưởng đến chất lượng quả vải thiều; bảo quản vải thiều đúng cách, sử dụng bao bì nhãn mác đồng bộ.
Các thương nhân cần chủ động tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Các ngành chức năng, ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh cần tích cực, chủ động hỗ trợ nhân dân trong việc tiêu thụ vải thiều./.
Nguồn: By XTTM