Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử 

Hướng tới chính quyền điện tử, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin. Qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động; giảm thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

Đẩy mạnh đầu tư

Lạng Giang được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giải quyết công việc. Năm 2015, UBND huyện đầu tư gần 2 tỷ đồng mua sắm thiết bị, nâng cấp bộ phận một cửa điện tử; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức… 

Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Ngô Quang Điệp cho biết: “Từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các dự án, đến nay 100% cơ quan, trường học, UBND xã, thị trấn đã kết nối mạng Internet. Các cơ quan thuộc Huyện uỷ, UBND huyện đã kết nối mạng LAN (mạng nội bộ) với đường truyền tốc độ cao. Bộ phận một cửa ở tất cả các xã, thị trấn đã liên thông với một cửa điện tử của UBND huyện”.

Tại huyện Yên Thế, năm vừa qua, toàn huyện đã đầu tư gần 2 tỷ đồng tăng cường hạ tầng CNTT trên các lĩnh vực. Đầu năm 2016, huyện đưa hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 vào áp dụng tại các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó có 287 quy trình, bảo đảm đạt 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện. 

Năm 2015, các cơ quan, đơn vị đã đầu tư 51,6 tỷ đồng cho ứng dụng và phát triển CNTT, tăng 44% so với năm trước. Trong đó, kinh phí đầu tư khối các sở, ngành là 31,3 tỷ đồng; kinh phí khối các địa phương 21 tỷ đồng.

Ở huyện Hiệp Hòa, với tổng số tiền đầu tư lên tới 3,5 tỷ đồng, đến nay việc trang bị hệ thống thiết bị CNTT, phần mềm hiện đại liên thông, gửi nhận văn bản điện tử, thực hiện chữ ký số đã đi vào nền nếp. Đặc biệt, UBND huyện đã liên thông giải quyết TTHC theo ba cấp: Xã- huyện- tỉnh về lĩnh vực người có công với 10 thủ tục.  

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến đầu năm 2016, 100% các huyện, TP; 19 sở, ngành và 139/230 xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai một cửa điện tử, một cửa liên thông. Một số địa phương liên thông đến 100% xã như: TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội liên thông theo mô hình tỉnh- huyện- xã tới 6 huyện. Bên cạnh đó, tất cả các sở, ngành và UBND huyện đã cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc qua mạng.

Nâng chất lượng phục vụ

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT tác động mạnh mẽ đến hoạt động cải cách hành chính. Theo thống kê, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng và trước hạn năm vừa qua tại bộ phận một cửa điện tử trên địa bàn đạt gần 92% với hơn 700 nghìn hồ sơ. 

Bà Đỗ Thị Hạnh, Tổ dân phố Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Trước kia khi thực hiện các TTHC, nhất là các thủ tục có liên quan đến đất đai, chúng tôi thường phải đi lại nhiều lần. Nhưng giờ tất cả đều được công khai tại hệ thống tra cứu tự động và đăng tải trên Internet, tôi có thể biết được thủ tục nào cần giấy tờ gì, thời gian bao lâu… để chủ động thực hiện”. 

Chung nhận định này, ông Phạm Ngọc Sơn ở phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn) là chủ đầu tư dự án xây dựng xưởng sản xuất và chế biến gỗ ở xã Hương Lạc (Lạng Giang) cho biết: “Nhờ các TTHC về đầu tư được hiện đại hóa nên trong vòng 10 ngày, dự án của tôi đã được cấp phép, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại”.

Hạ tầng CNTT phát triển còn giúp cho công tác quản lý, gửi và nhận văn bản thông qua thư điện tử được thực hiện nền nếp với tỷ lệ đạt hơn 80%. Điển hình như huyện Lạng Giang, hiện 100% cơ quan, đơn vị, DN có địa chỉ thư điện tử và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử qua mạng. Cùng đó, gần 950 chữ ký số đã được cấp cho tất cả các cơ quan cấp sở, UBND cấp huyện và đơn vị trực thuộc.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Gia Phong, thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trên địa bàn, Sở đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng CNTT hiện đại; tăng cường sử dụng các phần mềm ứng dụng liên thông trong cơ quan nhà nước. 

Trên nền tảng đạt được, năm 2016, Sở tiếp tục xác định tham mưu với tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử, trọng tâm là sử dụng tốt các phần mềm dùng chung. 

Trong đó chú trọng hoàn thiện việc cài đặt các phần mềm một cửa điện tử tích hợp, liên thông trong toàn tỉnh; hỗ trợ các đơn vị cài đặt phần mềm tại Trung tâm tích hợp dữ liệu; triển khai một cửa điện tử đến 100% các xã; đẩy mạnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản; tiếp tục triển khai việc sử dụng chữ ký số… 

Qua đó nâng cao chất lượng hạ tầng CNTT để phục vụ nhân dân, DN tốt hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 

Bắc Giang
863 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21926040
Lượt truy cập