Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Đoàn công tác của Bộ Công Thương thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Giang 

Ngày 01/4/2016, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Tổng cục Năng lượng, Cục Công nghiệp địa phương đã thăm và làm việc về tình hình phát triển công nghiệp và thương mại, mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tình hình xét tặng danh hiệu nghệ nhân của tỉnh Bắc Giang.

                                                  

Trong buổi sáng, đoàn công tác đã đi thăm Hợp tác xã Vân Hương (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) và ông Nguyễn Văn Tường - Giám đốc Hợp tác xã là nghệ nhân sản xuất rượu cấp tỉnh; Cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng) và ông Lưu Xuân Khuyến - Chủ cơ sở là nghệ nhân sản xuất gốm cấp Bộ; Hợp tác xã Mộc Bãi Ổi thuộc làng nghề mộc Bãi Ổi (xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang).

Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác làm việc tại Sở Công Thương Bắc Giang về các nội dung trên. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương, trưởng các phòng, giám đốc các trung tâm thuộc Sở và Chủ tịch Công đoàn Ngành Công Thương Bắc Giang.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương đã báo cáo khái quát kết quả chủ yếu của ngành Công Thương Bắc Giang trong năm 2015, những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Theo đó, năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 56 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt khoảng 17 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đều xấp xỉ 2,5 triệu USD. Thời gian qua, Sở luôn quan tâm chỉ đạo quản lý, điều hành chặt chẽ  hoạt động các cụm công nghiệp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cụm công nghiệp. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng được quan tâm kiện toàn; hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường được thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phê duyệt và triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 37 làng nghề, doanh thu mỗi năm đạt khoảng trên 1 nghìn tỷ đồng; 156 HTX hoạt động trong lĩnh vực Công Thương; gần 5 nghìn doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn manh mún, chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp; hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại quy mô nhỏ, đối tượng thụ hưởng khuyến công hạn chế; quy mô các HTX còn nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; sản xuất công nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái và đại diện Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện để tỉnh tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng chợ và lưới điện nông thôn; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực đầu tư xây dựng lưới điện tỉnh Bắc Giang theo quy hoạch, đặc biệt quan tâm cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp và khu vực Tây Yên Tử. Đồng thời quan tâm tăng kinh phí hỗ trợ các đề án khuyến công quốc gia, chương trình xúc tiến thương mại cho tỉnh Bắc Giang.

Đoàn công tác đề nghị tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo sắp xếp bộ máy ngành Công Thương hợp lý; tăng cường quản lý Nhà nước về làng nghề. Với các sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, đặc sản, tỉnh cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người sản xuất về thương hiệu, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn; quan tâm phát triển làng nghề gắn với du lịch làng nghề.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ghi nhận những kết quả đã đạt được của ngành Công Thương Bắc Giang trong năm qua, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Công Thương cả nước. Thứ trưởng lưu ý, tỉnh Bắc Giang có nhiều làng nghề, trong đó chủ yếu là làng nghề truyền thống, người sản xuất còn thiếu kiến thức về áp dụng máy móc kỹ thuật, hạn chế về kinh tế, do vậy tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách định hướng phát triển lâu dài riêng cho các làng nghề.

Thứ trưởng nhấn mạnh, dù là mô hình HTX, làng nghề hay DNNVV thì đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển KT-XH, đem lại lợi ích cho người dân từ sản xuất. Do vậy, tỉnh cần có định hướng phát triển hợp lý, xây dựng cơ chế chính sách khuyến công thúc đẩy các mô hình này phát triển như hỗ trợ lãi suất, đứng ra bảo lãnh vay ngân hàng...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý tỉnh Bắc Giang kịp thời khen tặng, động viên những người có nhiều đóng góp trong sáng tạo, giữ gìn và phát triển các làng nghề  trên địa bàn tỉnh, xét tặng danh hiệu nghệ nhân đảm bảo kịp thời, chính xác.

                                                                                                                                                                                                                                                      TTXTTM

1023 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23002913
Lượt truy cập