Tại cuộc họp báo Hoạt động của doanh nghiệp trong năm APEC Việt Nam 2017 và kết quả kỳ họp ABAC1 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương ( APEC ) Việt Nam 2017 tổ chức vừa qua tại HN, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch CEO Summit 2017 đã cho biết 6 sự kiện liên quan đến DN đó là: Diễn đàn khởi nghiệp bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngày 13/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Diễn đàn doanh nhân nữ APEC vào tháng 9 tại Huế; Kỳ họp lần IV Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC4) từ ngày 4 đến 7/11 tại Đà Nẵng; Diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư với Việt Nam vào 8/11 tại Đà Nẵng, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC từ ngày 8 đến 10/11 tại Đà Nẵng và Đối thoại giữa các thành viên ABAC và lãnh đạo kinh tế APEC vào ngày 10/11 tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, trước làn sóng khởi nghiệp đang vô cùng mạnh mẽ, Diễn đàn khởi nghiệp bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ thu hút đông đảo các nhà khởi nghiệp cũng như nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Theo ông Lộc, hiện Việt Nam thuộc top 20 trên thế giới có tinh thần khởi nghiệp cao nhưng cũng thuộc top 20 nền kinh tế có khả năng quản trị kém. Bởi vậy, khởi nghiệp không chỉ cần ý chí, tinh thần mà rất cần mô hình quản trị, khả năng thực hiện tốt.
Nội dung chính của Diễn đàn khởi nghiệp tập trung vào bàn thảo hệ sinh thái khởi nghiệp APEC, Phát triển cộng đồng khởi nghiệp APEC; Khởi sự kinh doanh trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; Giáo dục và đào tạo về khởi nghiệp; Tài chính cho khởi nghiệp (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Nhà Đầu tư Thiên thần, Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Ngân hàng…).
Theo ông Lộc, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp chính là Nghị quyết đầy tham vọng về khởi nghiệp, không nước nào có. Tuy nhiên, để khởi nghiệp kinh tế toàn cầu thì ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, thì sự chủ động của doanh nghiệp vẫn là cốt lõi.
“Hi vọng diễn đàn khởi nghiệp này sẽ là lớp học lớn nhất cho VN. Chúng tôi đã mời lãnh đạo Facebook tham dự Diễn đàn này”, ông Lộc cho biết.
Tại Diễn đàn xúc tiến và thương mại đầu tư với Việt Nam vào 8/11 tại Đà Nẵng, được coi là Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh với VN sẽ được VCCI tổ chức hàng năm, sẽ giới thiệu cơ hội đầu tư và kinh doanh của 63 tỉnh thành với các nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Lộc, việc xúc tiến thương mại, đầu tư một cách bài bản, đạt chuẩn mực quốc tế hàng đầu là mục đích quan trọng để các DN VN hướng tới và học hỏi. VCCI đang cùng 63 tỉnh/thành địa phương tiến hành xây dựng 1 bộ chỉ số xúc tiến thương mại đầu tư chuẩn để áp dụng chứ không xúc tiến đầu tư riêng lẻ như thời gian qua. Diễn đàn này sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bên lề Diễn đàn này sẽ là Triển lãm “Việt Nam – Điểm đến của các nhà đầu tư thế giới” để quảng bá, giới thiệu về các chính sách/dự án kêu gọi đầu tư của các địa phương, khu công nghiệp tới các nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Lộc cũng cho biết, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO SUMMIT 2017) năm nay tập trung vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những biểu hiện mới của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tương lai của toàn cầu hoá, những chân trời mới của thương mại quốc tế; Các động cơ tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ 21; Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong phát triển nông nghiệp nông thôn và xu hướng tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng toàn cầu; Sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển bền vững; Cách mạng dịch vụ.
Hội nghị này sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Cấp cao các nền kinh tế APEC- là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, các diễn giả từ các Tập đoàn hàng đầu thế giới, 1000 lãnh đạo DN, các CEO từ 21 nền kinh tế.
APEC 2017 là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thúc đẩy du lịch và đưa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn nữa với thị trường rộng lớn của các thành viên APEC. Đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các MSMEs, tham gia tích cực vào các hoạt động của APEC 2017 sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận các đối tác kinh doanh, thương mại, đầu tư đầy tiềm năng; đẩy mạnh kết nối, nắm bắt xu thế kinh doanh mới; mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu
Nhân dịp này, căn cứ vào định hướng của năm APEC Việt Nam 2017, ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Quốc tế, đã thông báo về kỳ họp ABAC 1 tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 19 -23/202017 vừa qua.
Với vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã chủ trì kỳ họp và triển khai các hoạt động của ABAC theo chủ đề chính 2017 là “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm duy trì phát triển kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương và đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người. Các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017 tập trung vào 04 hướng bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Dũng cho biết, trước hiện tượng chống toàn cầu hóa và bảo hộ có dấu hiệu gia tăng, tại cuộc đối thoại ABAC tiếp tục kiến nghị với APEC ủng hộ tự do hóa thương mại và các hệ thống thương mại đa phương; thực hiện mục tiêu Bô-go và tiến tới khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và trước mắt, các nền kinh tế thành viên TPP nên giữ vững động lực, đương đầu với thách thức để sớm thông qua hiệp định TPP. ABAC cũng cho rằng APEC cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt tập trung vào phát triển bao trùm; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. ABAC và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp hành động với chính phủ để khắc phục những tác động tiêu cực của tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa.
Nguồn: tin DĐ DN