Thực tế cho thấy, chưa bao giờ tình hình kinh tế Việt Nam có sự chuyển dịch trên diện rộng và sâu như sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy vậy, đã đến lúc nhìn lại, đánh giá những mặt được, những lợi ích, cũng như hạn chế của quá trình này…
Tạo bước chuyển quan trọng
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, từ khi gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là về thương mại và đầu tư cũng như sự phát triển của doanh nghiệp (DN), trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 3 lần. Điều quan trọng hơn cả là việc gia nhập WTO đã xác lập một giai đoạn mới, tiến tới hội nhập hoàn toàn, sâu rộng, chủ động.
Đây là điều kiện cơ bản, có tính chất đột phá để nước ta có điều kiện tăng trưởng nhanh, với nền tảng dựa trên việc mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, bên cạnh việc hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, thông qua gia nhập WTO, Việt Nam đã tự chuyển biến theo các quy định, cam kết khi hội nhập, là "cú hích" để Nhà nước từng bước thay đổi, hoàn thiện thể chế kinh tế một cách đầy đủ, công bằng, minh bạch.
Từ đó, Chính phủ đã đệ trình và Quốc hội thông qua hơn 60 bộ luật bảo đảm thực thi các cam kết WTO cùng hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Kết quả là, diện mạo pháp luật Việt Nam đã có sự thay đổi rõ nét, xác lập môi trường đầu tư - kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế, tạo ra sự hấp dẫn đối với DN "ngoại".
Môi trường WTO tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, là cơ hội cho hàng Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế với các điều kiện bình đẳng và tự do hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó. Hơn thế, từ việc gia nhập và thực tiễn tham gia WTO, Việt Nam cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm, so sánh với thực tiễn, thực lực để đàm phán, "lớn lên", đi tới và gặt hái thêm thành công nhờ những thỏa thuận quốc tế quan trọng ký kết sau này như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…
Những hạn chế nội tại
Báo cáo của VCCI cho biết, mức tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2006-2010, tức là ngay khi có sự tác động từ việc gia nhập WTO đạt 7%/năm và được đánh giá là khả quan. Nhưng, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng "co" lại, chỉ còn 5,88%/năm. Như vậy, diễn biến kinh tế đang bộc lộ sự suy giảm rõ rệt như một thực tế đáng lo ngại, không thể xem thường trong bối cảnh Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững để hoàn thành công cuộc CNH - HĐH từ sau năm 2020. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, từ con số nói trên cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được hết cơ hội, sự cởi mở và thông thoáng về thị trường do môi trường WTO mang lại.
Xét về cơ cấu ngành/lĩnh vực thì ngành Nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi năm 2015 vừa qua chỉ đạt mức tăng trưởng 2,21% trong khi giai đoạn 2007-2011 là 3,4%. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của ta bị "soi", áp dụng những biện pháp phản hồi, ngăn cản thậm chí trả lại sau khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, gạo của ta bị cạnh tranh rất mạnh từ phía gạo Thái Lan, Campuchia bên cạnh thủy sản sơ chế bị đe dọa tại nhiều thị trường quan trọng, như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Nguyên nhân có nhiều, gồm cả chủ quan và khách quan. Trong đó, có việc các nước gia tăng hoạt động bảo hộ thị trường và DN trong nước của họ thông qua hàng rào kỹ thuật, nhất là yêu cầu về tiêu chuẩn ATVSTP. Ngược lại, DN Việt cũng chưa làm tốt các công đoạn từ sản xuất, thu hoạch đến xử lý, bảo quản và vận tải.
Ngoài ra, điều tra xã hội học cũng cho biết, nhóm đối tượng thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội cũng ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực, khó tìm việc làm dẫn đến giảm thu nhập; áp lực di cư, bất bình đẳng… cũng có xu hướng gia tăng từ khi gia nhập WTO. Hơn thế, lợi nhuận thu được từ hàng hóa xuất khẩu của ta chưa tăng như mong muốn, do giá trị gia tăng thấp.
Đến nay, mức độ hội nhập của DN nói chung còn thấp, thua các nước láng giềng, với 36% tổng số DN đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Điều này thể hiện sự bị động của DN nói chung. Nếu những điểm yếu, hạn chế trên không được khắc phục sớm sẽ tiếp tục để lại hậu quả cho giai đoạn tiếp theo.
Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevêdo nhận xét, Việt Nam đã, sẽ là một trong số quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc hạng nhanh nhất thế giới cũng như hội nhập sâu rộng, tiến tới toàn diện với kinh tế quốc tế nhờ tham gia WTO. Việt Nam cũng là thành viên chủ động tham gia các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ tổ chức này. Tuy nhiên, cần bám sát nguyên tắc là, WTO luôn hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh, nhất là đồng thuận về thương mại, công bằng, minh bạch và sẵn sàng hỗ trợ các thành viên giải quyết tranh chấp thương mại khi cần thiết…
Ông Roberto nhấn mạnh, việc tham gia WTO của Việt Nam nhằm mở rộng thị trường, nhất là cơ hội nâng cao quy mô xuất khẩu cho DN các nước trên cơ sở bình đẳng. Cũng qua đó, sức hấp dẫn, uy tín của quốc gia cũng gia tăng và là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, hội nhập sẽ nảy sinh sự cạnh tranh gay gắt hơn nhưng cũng là môi trường để DN trưởng thành, tập trung đầu tư cho công nghệ, trình độ quản lý, cải thiện hình ảnh thương hiệu… để tiến tới chuẩn mực quốc tế.
Báo Bắc Giang