Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải vui mừng khi thấy đại diện các đơn vị trong Bộ, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực ngành Công Thương quản lý đã có mặt đông đủ tại Hội nghị. Điều đó thể hiện của sự quan tâm của Lãnh đạo các đơn vị, cơ quan đối với công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh của Ngành Công Thương thông qua các hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ.
Trong những năm vừa qua, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đầu tư hạ tầng năng lượng, thúc đẩy phát triển thương mại, mở rộng hoạt động dịch vụ, cũng như công tác chỉ đạo và điều hành hoạt động của Bộ Công Thương luôn được phóng viên và cơ quan truyền thông báo chí quan tâm và khai thác trên nhiều khía cạnh và giác độ khác nhau. Thông tin về hoạt động của Ngành Công Thương, về những chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực Công Thương luôn được đăng tải, cập nhật thường xuyên, liên tục, hàng ngày hàng giờ, theo những góc độ tiếp cận khác nhau, thông qua các phương tiện và công cụ truyền thông khác nhau...nhằm đạt được những mục đích rõ ràng và cụ thể, phù hợp với mục tiêu, tôn chỉ của các cơ quan truyền thông. Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cũng sử dụng các công cụ truyền thông nhằm giúp người dân hiểu hết được những gì Bộ đã, đang triển khai; giúp định hướng dư luận cũng như tạo ra sự đồng thuận xã hội cho những nội dung nhiệm vụ mà Ngành Công Thương đang thực hiện; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành Công Thương.
Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không phải lúc nào việc sử dụng các công cụ truyền thông cũng đạt được những hiệu quả kỳ vọng trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ngành Công Thương, vì việc này phụ thuộc nhiều vào nhận thức và hành đồng bộ của cán bộ công chức và người lao động của Ngành Công Thương. Sự nhận thức không đầy đủ hay thiếu tính đồng bộ và nhất quán trong vấn đề truyền thông trong bối cảnh hiện nay sẽ rất dễ dẫn đến các hệ lụy khó lường.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực trao đổi, thảo luận, đặc biệt chia sẻ những vấn đề thực tế tại đơn vị, doanh nghiệp của mình với tinh thần thẳng thắn, cầu thị để có cái nhìn toàn cảnh về công tác truyền thông trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) và Thạc sỹ Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành và tư vấn CSCI Indochina Group, Đồng sáng lập ELite PR School là hai chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông đã chia sẻ tại Hội nghị những câu chuyện liên quan đến công tác truyền thông, từ lý thuyết đến thực hành, cũng như những trải nghiệm thực tế về tác động của công cụ truyền thông trong công tác quản lý, điều hành tại các cơ quan lý nhà nước, doanh nghiệp.
Trao đổi tại buổi tập huấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Công Thương Ngô Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, đặc trưng của báo chí là cần thông tin, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin định hướng dư luận. Khi có một sự kiện, hoạt động lớn, cần có lộ trình cung cấp thông tin trước, trong và sau sự kiện để tạo sự đồng thuận trong dư luận, giúp người dân có thể hiểu đúng sự việc.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khẳng định "Đơn vị chúng tôi rất cần báo chí". Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng chia sẻ, phóng viên cũng cần xác định giới hạn ở đâu, lập trường quan điểm như thế nào - bởi vì, nếu phóng viên không hiểu rõ các vấn đề của ngành Công Thương, có cái nhìn phiến diện sẽ đưa ra thông tin sai lệch. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu hy vọng có sự tương tác, hiểu biết và chia sẻ thông tin từ hai phía: các cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Đỗ Quốc Chính - Phó trưởng phòng, Phụ trách Phòng Quan hệ công chúng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, Petrolimex là một doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan báo chí. Trong công tác truyền thông, đáng "sợ" nhất là khi báo chí đưa những thông tin không chính thống, chính xác. Ông Đỗ Quốc Chính cũng chia sẻ, doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề truyền thông trên mạng xã hội và cho rằng đây là kênh thông tin phức tạp, có tốc độ lan truyền, lan tỏa rất lớn.
Hội nghị tập huấn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng - Người phát ngôn Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và sự ủng hộ, tham gia đầy đủ của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hy vọng, sau Hội nghị tập huấn, công tác truyền thông của ngành Công Thương nói chung và của các đơn vị thuộc Bộ cũng như các doanh nghiệp nói riêng sẽ được quan tâm, chú trọng nhiều hơn.