Tại hội nghị "Xúc tiến đầu tư, thúc đẩy liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã thanh niên khởi nghiệp" do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 19/7 tại Hà Nội, các đại biểu thống nhất cao với nhận định: Trong hội nhập, liên kết hợp tác trong mô hình hợp tác xã là tất yếu và khách quan.
Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có khoảng 1.400 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp.
Theo nhận định chung, chất lượng sản phẩm nông sản chưa đồng đều; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu chuyên nghiệp; thiếu các vùng chuyên canh quy mô lớn đang là những điểm yếu của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.
Để tăng tính liên kết đảm đầu ra cho nông sản của hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng sản phẩm an toàn phải là yếu tố then chốt. Cùng với tạo dựng thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng cần ưu tiên phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, quảng bá thông tin sản phẩm trên trang mạng cá nhân bởi đây là kênh tiếp cận người tiêu dùng khá cao.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Do mới thành lập nên hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong vấn đề liên kết. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp cùng liên kết để cùng tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), ngoài các chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách ưu đãi tín dụng và đất đai, đối với những hợp tác xã do thanh niên khởi nghiệp rất cần hỗ trợ trong công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực qua đào tạo về làm việc cho hợp tác xã.
“Nông nghiệp nói chung và kinh tế hợp tác nói riêng đòi hỏi phải phát triển tương xứng. Muốn xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và sản xuất hàng hóa lớn, tất yếu phải liên kết để sản xuất ra sản phẩm tốt hơn, giá trị hơn, đáp ứng tín hiệu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Thịnh chỉ rõ./.
Theo Bao VOV