Trao đổi thông tin sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần GMP FOOD, thành phố Bắc Giang
Trên cơ sở đăng ký của các địa phương; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức kinh tế - xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh về nội dung đăng ký kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh năm 2025; Trung tâm đã thực hiện khảo sát thực tế tại 90 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bắc Giang; nội dung đề án của các đơn vị đăng ký đề nghị hỗ trợ năm 2025 được đánh giá rất phong phú, đa dạng thuộc các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống; đồ nội thất; thủ công mỹ nghệ; sản xuất gia công cơ khí… mà tỉnh Bắc Giang có lợi thế phát triển.
Qua trao đổi trực tiếp với đại diện các cơ sở công nghiệp nông thôn, Trung tâm thấy được các đơn vị hiện đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn sử dụng máy móc thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, trình độ tự động hóa thấp nên chi phí làm ra sản phẩm cao, hàm lượng gia tăng giá trị trong sản phẩm sau chế biến thấp, vì vậy, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu… Trong khi đó, chi phí để đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ, máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; thiết kế và in ấn mẫu mã, nhãn mác, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm lớn…; bên cạnh đó, nhu cầu để được quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị, kết nối cung cầu trong và ngoài nước cao nhưng lại thiếu về thông tin. Do vậy, các cơ sở công nghiệp nông thôn rất mong nhận được sự động viên, hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian tới đây.
Căn cứ kết quả khảo sát thực tế và dựa trên các tiêu chí ưu tiên hỗ trợ theo quy định như: (1) Các đề án thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; (2) Các đề án phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; (3) Các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt hạng 3 sao, 4 sao; (4) Các đề án hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp: Cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, đồ uống; công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, trọng điểm của địa phương; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ (được cung cấp từ địa bàn tỉnh Bắc Giang, chiếm trên 50% tổng giá trị nguyên liệu, vật liệu), sử dụng nhiều lao động; sản phẩm có thị trường xuất khẩu; (5) Các đề án khả thi, là hạt nhân có tính lan tỏa cao trong các ngành công nghiệp có thế mạnh của địa phương, các làng nghề trên địa bàn tỉnh…
Qua đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ tổng hợp, lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn có nội dung hoạt động, ngành nghề sản xuất được hưởng chính sách khuyến công, có đề án khả thi thực hiện xong trong năm 2025 và đáp ứng các điều kiện theo quy định, tham mưu Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh năm 2025./.
V.T.Khương - Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang - Tổng hợp