Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Khuyến công làm tăng niềm tin vào chính sách 

Hoạt động khuyến công thời gian qua đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn, hợp tác xã của tỉnh Bắc Giang mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính khuyến công đã làm cho các tổ chức, cá nhân yên tâm và tin tưởng vào cơ chế, chính sách của nhà nước.
Khuyến công làm tăng niềm tin vào chính sách

Hoàn thành 70% nhiệm vụ được giao

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cho biết, giai đoạn 2019 - 2021, trước tác động và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Bước sang năm 2022, toàn tỉnh thực hiện 19 đề án khuyến công với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng. Trong đó, có 2 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 2,2 tỷ đồng cho 5 đơn vị; khuyến công địa phương với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 17 đề án.

Kết quả 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã triển khai thực hiện 2/2 đề án khuyến công quốc gia và 16/17 đề án khuyến công tỉnh, hiện tại khối lượng hoàn thành đạt khoảng 70% so với nhiệm vụ được giao. Nội dung chủ yếu tập trung hỗ trợ các đề án đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong bảo quản các sản phẩm nông sản (vải thiều, cam, bưởi…); chế biến nông, lâm sản (sản xuất đông trùng hạ thảo, bánh đa nem, dầu ăn, gỗ ván ép phủ phim, sấy gỗ); sản xuất cơ khí, điện tử. Trung tâm đã phối hợp với đơn vị liên quan nghiệm thu được 7/10 đề án. Nhờ có vốn khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã được hỗ trợ máy móc cơ bản đi vào hoạt động ổn định.

Điển hình, tháng 2 năm nay, thông qua Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến lâm sản, HTX Dịch vụ và chế biến nông lâm sản xã Dĩnh Trì (TP. Bắc Giang) được hỗ trợ 250 triệu đồng để mua sắm, lắp đặt 1 nồi hơi sấy gỗ công nghiệp. Phó Giám đốc HTX Trần Đăng Phương cho biết, nhờ được ứng dụng máy móc hiện đại, HTX đã nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm nhân công. Hiện, mỗi mẻ gỗ sấy rút xuống còn 1/10 thời gian so với trước, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Từ tháng 5.2022, Công ty cổ phần Kết cấu thép ASC Vina, Cụm công nghiệp Vôi - Yên Mỹ, thị trấn Vôi (Lạng Giang) cũng được hỗ trợ 300 triệu đồng để mua sắm máy đính gá dầm “chữ H” tự động. Với sự hỗ trợ từ vốn khuyến công, doanh thu của công ty đạt 20 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng. Từ đó, tạo thêm việc làm ổn định cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 9 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang Ngụy Đình Nghĩa nhấn mạnh, hoạt động khuyến công thời gian qua đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong khuyến khích phát triển CNNT; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, khuyến công cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân yên tâm và tin tưởng vào cơ chế, chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có nhiều vướng mắc như các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất CNNT tại các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn ít nên số đề án khuyến công triển khai tại đây chưa nhiều. Ngoài ra, chưa có nhiều đề án khuyến công điểm, quy mô lớn thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, hệ thống tổ chức triển khai thực hiện hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, mới có Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh, chưa có chi nhánh tại các huyện, thành phố và mạng lưới cộng tác viên tại các xã nên việc nắm bắt nhu cầu triển khai các đề án khuyến công còn khó khăn.

Hướng tới mục tiêu đến tháng 11.2022, tỉnh sẽ hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, ông Ngụy Đình Nghĩa cho biết thời gian tới Trung tâm sẽ có những giải pháp mang tính đồng bộ, trọng tâm hơn. Theo đó, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đến các đơn vị, cơ sở CNNT. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án khuyến công đang triển khai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Với những đề án không đáp ứng yêu cầu theo hỗ trợ hoặc có sai phạm sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền để kịp thời ngừng thực hiện, chỉnh sửa. Làm việc, phối hợp các đơn vị thụ hưởng đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, kịp thời nghiệm thu, để sớm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, địa phương và xã hội.

Để công tác thực hiện có hiệu quả, Trung tâm đề xuất Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực khuyến công để các địa phương có căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện. Về phía Cục Công thương địa phương tham mưu Bộ trưởng Bộ công thương tăng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia phân bổ cho địa phương hàng năm.

452 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23119633
Lượt truy cập