Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định, bền vững 

Những năm gần đây, cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chủ động liên kết với tiểu thương, nhà hàng, công ty trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Với hình thức này, các bên cùng có lợi, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm.
Liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định, bền vững

Tiêu thụ thuận lợi

5 năm qua, nông dân tổ dân phố Thanh Mai, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) canh tác từ 3050 ha khoai tây vụ đông cung cấp nguyên liệu chế biến khoai tây chiên cắt lát cho Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Bắc Ninh). Ông Nguyễn Văn Hồi, tổ dân phố Thanh Mai nói: “Từ năm 2015, gia đình tôi bắt đầu mượn ruộng để trồng khoai tây. Vụ này, tôi có 8 sào. Mấy năm qua, giá bán khoai luôn ổn định từ 6-7,5 nghìn đồng/kg. Sau khoảng 3 tháng trồng là được thu hoạch, năng suất khoảng 8 tạ/sào, thu từ 4,5 đến 6 triệu đồng/sào".

Được biết, các khâu từ chuẩn bị vật tư, cây giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm đều được liên kết chặt chẽ với Công ty. Thời điểm này, toàn bộ diện tích canh tác khoai tây đang được nông dân chăm sóc xanh tốt. Ước tính, 50 ha khoai tây sẽ cho tổng thu hàng tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, HTX Kinh doanh dịch vụ Tân Tiến, thôn Trám, xã Phúc Sơn (Tân Yên) cũng ký kết với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) hướng dẫn các thành viên sản xuất lúa lai 3 dòng F1 và thu mua toàn bộ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc HTX cho hay, bình quân mỗi vụ HTX sản xuất khoảng 30 ha.

Toàn bộ kỹ thuật xuống giống, chăm sóc, thụ phấn đều được cán bộ Trung tâm hướng dẫn. Năng suất lúa đạt bình quân 1,2-1,4 tạ/sào. Với giá 28-31 nghìn đồng/kg, mỗi sào thu về khoảng 3 triệu đồng, cao gấp đôi so với cấy lúa thương phẩm. Cùng với cấy lúa lai F1, các thành viên HTX và nông dân trong thôn còn liên kết với một số nhà hàng, thương nhân, công ty trồng dưa lưới, rau ăn lá các loại, dưa bao tử, dưa chuột, măng tây xanh, lạc giống.

Ngoài hai đơn vị trên, hiện nhiều hộ dân, cơ sở chăn nuôi, sản xuất mỳ, bún, nấm... trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ và tự đầu tư mô hình sản xuất sạch, công nghệ cao, chủ động liên kết sản xuất tiêu thụ hàng hóa. Ví như các HTX: Sản xuất, tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng), mỳ Chũ Hiền Phước (Lục Ngạn)... Qua đây, sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, nông dân yên tâm sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. 

Tiếp tục nhân rộng

Việc các cá nhân, đơn vị liên kết với DN trong sản xuất bao tiêu nông sản đã tạo “cú hích” giúp nông dân trong tỉnh từng bước nâng cao nhận thức, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Theo ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), hoạt động liên kết sản xuất đang phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế tự nhiên của các địa phương, đẩy nhanh việc hình thành vùng trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa tập trung.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm mô hình liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tùy từng loại cây trồng, vật nuôi, việc tham gia chuỗi liên kết có thể giảm chi phí đầu tư từ 10-15%, hiệu quả tăng từ 20-30% so với phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống. Hằng năm, tỉnh có nhiều chương trình chính sách hỗ trợ các đơn vị, cá nhân xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các huyện cũng có cơ chế chính sách riêng.

Cụ thể, tại huyện Việt Yên, từ năm 2015, UBND huyện xây dựng mô hình liên kết trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi đối với một số nông sản chủ lực như: Rau các loại, cây dược liệu và thủy sản. “3 năm qua, huyện bố trí khoảng 5,1 tỷ đồng hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà màng, nhà lưới; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác cho một số sản phẩm của các HTX Dịch vụ: Nông nghiệp Lý Nhân; Thương mại nông nghiệp công nghệ cao Khang Thịnh.

Đến nay, huyện xây dựng 10 mô hình liên kết theo chuỗi”, bà Nguyễn Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết. Tại Hiệp Hòa, hằng năm, từ nguồn ngân sách địa phương, huyện hỗ trợ các hộ dân sản xuất rau an toàn thành vùng tập trung và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Toàn huyện hiện có khoảng 30 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác có liên kết "4 nhà”. Người dân nơi đây dần tăng tỷ lệ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình canh tác. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước, cá nhân, DN, HTX cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tích cực quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác nông sản thu hút DN vào đầu tư, liên kết tiêu thụ. Từ đó, tăng giá trị nông sản và tính bền vững trong sản xuất.

                                                                                                                            Theo Báo Bắc Giang

523 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21925958
Lượt truy cập