Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Ngăn chặn gian lận thương mại điện tử 

Mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng phát triển nhanh tại Việt Nam, đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Ngăn chặn gian lận thương mại điện tử

Song, vấn nạn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng tăng theo quy mô phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), điều này làm méo mó môi trường kinh doanh, xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.

              Gia tăng nguy cơ hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử

            TMĐT cho phép người bán và người mua có sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, thông tin và tiền tệ một cách dễ dàng thông qua internet hoặc các phương tiện điện tử khác có kết nối mạng. Nhưng cũng chính vì những đặc điểm này, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên TMĐT ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

              Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

               Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan tới TMĐT là cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng... Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trên TMĐT với quy mô lớn, tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao... Nhưng do lợi nhuận từ gian lận thương mại rất cao nên các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng.

              Trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chức năng

          TMĐT trước kia chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là sàn TMĐT, nhưng hiện nay còn xuất hiện các kênh giao dịch khác như mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok... Với hình thức hoạt động đa dạng, phạm vi hoạt động không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, dự báo trong thời gian tới, tình hình lợi dụng môi trường TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông Nguyễn Đức Lê, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên TMĐT không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh, xói mòn niềm tin của người tiêu dùng mà còn gây thất thu thuế cho Nhà nước. Để làm trong sạch môi trường kinh doanh trên TMĐT, việc đấu tranh với hành vi sai phạm, không chỉ thuộc về cơ quan chức năng mà cần sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như người sản xuất, người tiêu dùng. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động, phối hợp với các đơn vị nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất, phải nâng cao nhận thức vấn đề bảo vệ thương hiệu. Nhà sản xuất phải chủ động nhận biết đâu là hàng giả sản phẩm của mình và báo ngay cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

             Ở góc độ là đơn vị vận hành chợ TMĐT lớn, ông Vũ Anh, Giám đốc Chiến lược sàn TMĐT Vỏ Sò, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho rằng, hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường. Để giải quyết vấn đề này, Vỏ Sò yêu cầu, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là cung cấp mã số thuế, đầy đủ thông tin về doanh nghiệp. Vỏ Sò cũng phối hợp và áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc; áp dụng các giải pháp theo dõi đơn hàng trong quá trình vận chuyển. Các giải pháp này góp phần làm giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT. “Chúng tôi xác định sẽ luôn chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng. Theo đó, với những khiếu nại liên quan đến hàng hóa thì chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với nhà cung cấp hàng hóa để xác định rõ nguồn gốc vấn đề xuất phát từ đâu, làm sao đưa ra giải pháp phù hợp nhất”, ông Vũ Anh nhấn mạnh.

             Ông Nguyễn Đăng Sinh khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hàng tại các địa chỉ không rõ xuất xứ hàng hóa, không rõ địa chỉ kinh doanh; khi mua hàng phải có chứng từ, hóa đơn. Hóa đơn là yếu tố quan trọng làm căn cứ để kiến nghị, xử lý về sau nếu phát sinh vấn đề.

             Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang - tổng hợp 

229 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21882237
Lượt truy cập