Phóng viên: Thưa ông, còn khoảng 3 tuần nữa thì vải sớm của Bắc Giang sẽ cho thu hoạch, vậy để giữ được chất lượng cũng như giá thành của quả vải, tỉnh đã triển khai những giải pháp gì?
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái: Hiện nay, Bắc Giang vẫn đang chủ động chỉ đạo công tác chăm sóc vải thiều, đặc biệt là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Tỉnh đã chỉ đạo, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, chất lượng quả vải năm nay sẽ cao hơn các năm trước.
Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho diện tích vải sớm, cho nên năng suất cũng cao hơn, chất lượng cũng tốt hơn. Có thể khẳng định, quả vải thiều của Bắc Giang năm nay có chất lượng tốt nhất so với các năm trước.
Phóng viên: Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã có những giải pháp gì cho việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong năm nay, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái: Tỉnh Bắc Giang rất phấn khởi và tin tưởng vì trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ, Nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương đã quan tâm đến xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung. Đặc biệt đối với quả vải Bắc Giang đã có những bài học kinh nghiệm từ các năm trước. Cụ thể, cùng với sản xuất, Bắc Giang sẽ tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước tiên là thị trường truyền thống. Bắc Giang sẽ tiếp tục đổi mới nội dung xúc tiến tiêu thụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, các tập đoàn, các nhà phân phối, các hợp tác xã, các doanh nghiệp và các tổ hợp tác ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Bắc Giang cũng sẽ mở rộng sang các thị trường, đặc biệt là thị trường mới. Cụ thể, năm nay, Nhật Bản đã cho xuất khẩu chính ngạch quả vải thiều của Việt Nam vào thị trường này. Do vậy, được sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương, đến nay, Bắc Giang đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đưa quả vải thiều chất lượng tốt nhất sang thị trường Nhật Bản.
Cùng với đó, Bắc Giang cũng đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa, vải thiều có chất lượng tốt nhất cũng sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân trong nước.
Hiện nay, một số các tập đoàn phân phối lớn đã đến Bắc Giang để ký kết. Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện sẵn sàng cho việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên địa bàn diễn ra được thuận lợi.
Tuy nhiên, trước bối cảnh chung của cả nước về tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ lường trước những khó khăn. Trước mắt, tỉnh sẽ chủ động cập nhật, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương để có những phương án phù hợp, kịp thời, hiệu quả nhất.
Phóng viên: Vậy, các phương án được cho là phù hợp, kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay là gì, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái: Bắc Giang đã đưa ra 3 kịch bản, kịch bản thứ nhất được cho là thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang tất cả các thị trường, cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ 2, chúng tôi thấy có chút khó khăn nhưng vẫn sẽ xuất khẩu được. Nhưng kịch bản thứ 3, khó khăn nhất, đó là không xuất khẩu được vải thiều trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thì vải thiều sẽ tập trung tiêu thụ trong nước.
Đó là 3 kịch bản chúng tôi rất coi trọng và đưa ra phương án để chủ động triển khai. Chúng tôi sẵn sàng kích hoạt cả 3 kịch bản này để làm sao chủ động tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất vải thiều tiêu thụ được sản phẩm. Chúng tôi luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh.
Tuy nhiên, đó là chủ động của địa phương song chúng tôi vẫn rất cần sự hỗ trợ của bộ, ngành trung ương, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Đặc biệt, trong trường hợp phải áp dụng kịch bản thứ 3 là khi xuất khẩu khó khăn thì thị trường trong nước sẽ vẫn là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Tôi cho rằng, tất cả chúng ta khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải thiều của Bắc Giang sẽ không đáng kể gì.
Phóng viên: Năm 2020, Bắc Giang lần đầu tiên được chứng nhận xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản, đây được đánh giá là thị trường khó tính nhất trên thế giới. Vậy, vải thiều của chúng ta hoàn toàn có thể vươn xa hơn ra thị trường thế giới không, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái: Nhật Bản đã chấp nhận quả vải của Việt Nam vào xuất khẩu chính ngạch. Điều đó khẳng định thương hiệu quả vải của Việt Nam, trong đó có quả vải của Bắc Giang đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng thị trường khó tính nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào chỉ đạo sản xuất để không ngừng nâng cao chất lượng quả vải thiều, đáp ứng ngày càng tốt hơn với tiêu chuẩn đặt ra.
Cùng với đó, chúng tôi từng bước mở rộng diện tích, không chỉ đáp ứng với thị trường Nhật Bản mà còn sang các thị trường Mỹ, EU và các thị trường tiềm năng tiếp nữa.
Đối với thị trường Nhật Bản, chúng tôi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNN, Bộ Công Thương, do vậy, chúng tôi đang chuẩn bị rất tốt, sẵn sàng các điều kiện để đưa quả vải sang Nhật Bản. Chúng tôi đánh giá đây cũng là thị trường rất tốt và tiềm năng. Vì Nhật Bản ở gần Việt Nam, gần hơn thị trường EU nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển.
Tuy nhiên, cái quan trọng nữa sẽ phải khẳng định được đó là thương hiệu. Bởi khẳng định được thương hiệu thì giá trị của quả vải và giá trị xuất khẩu sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Do vậy, chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng của vải thiều để hướng đến cái quan trọng nhất đó chính là nâng cao giá trị của vải thiều Bắc Giang.
Phóng viên: Khi kết thúc vụ vải thiều năm 2019, người dân Bắc Giang nói riêng và nông dân trồng vải nói chung rất phấn khởi và cho rằng cây vải thiều sẽ sớm trở thành cây tỷ đô của Việt Nam. Vậy theo ông, Bắc Giang có khả năng thực hiện được điều đó không?
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái: Thực tế, Bắc Giang chúng tôi cũng đang hướng tới những sản phẩm tỷ đô, trong đó có cây vải thiều và chắc chắn sẽ hướng tới.
Cụ thể, trong thời gian tới, với sự tập trung chỉ đạo và sự nỗ lực cố gắng của địa phương, đặc biệt là sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, tôi nghĩ rằng quả vải thiều Bắc Giang sẽ không ngừng được nâng cao cả về năng suất, chất lượng và cả về giá trị.
Làm được như vậy thì hướng tới tỷ đô sẽ có trong tương lai./.
Theo Cổng thông tin điện tử Bắc Giang