Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

QUY ĐỊNH THỦ TỤC NHẬP KHẨU, RÀO CẢN THƯƠNG MẠI, KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN 

Bắt đầu từ ngày 15/12/2019, Nhật Bản chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam
QUY ĐỊNH THỦ TỤC NHẬP KHẨU, RÀO CẢN THƯƠNG MẠI, KỸ THUẬT TẠI NHẬT BẢN

1. Đối với mặt hàng quả vải nói riêng

 Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản yêu cầu quả vải thiều tươi xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Đây là thông tin tích cực chứng minh sự nỗ lực và thành công của Bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch, đàm phán, xúc tiến thương mại cho mặt hàng quả vải được chính thức xuất khẩu sang một trong những thị trường có những yêu cầu cao nhất.

Nhu cầu tiêu thụ đối với quả vải thiều của Việt Nam tại Nhật Bản không nhỏ nhưng để đáp ứng các quy định về rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu, hộ sản xuất vải thiều ngoài việc ứng dụng những tiến bộ trong sản xuất đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap cần có biện pháp để bảo quản quả vải nhằm duy trì chất lượng, hình thức của quả vải tươi sau thu hoạch đặc biệt là cần cải tiến và nâng cao hình thức bao bì, đóng gói quả vải để phù hợp với từng thị trường cụ thể. Ngoài ra, cách thức tiếp cận và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả nhằm đưa quả vải thiều Việt Nam thâm nhập thành công vào hệ thống tiêu thụ của thị trường nhập khẩu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng vải thiều.

Dưới đây là một số giải pháp cần triển khai để đẩy mạnh xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản:

- Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu

- Tiếp cận phương pháp bảo quản hiện đại và tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm cũng như quy định dán nhãn hàng hóa

- Thực hiện truyền thông, tuyên truyền về quả vải: Nhằm tạo thuận lợi cho công tác thâm nhập và khai thông thị trường nhập khẩu đặc biệt là những thị trường mới mở cửa, cần xây dựng một bộ thông tin chuẩn về quả vải, lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu để quảng bá. Đồng thời, trên cơ sở bộ thông tin chuẩn nói trên, thiết kế và in ấn tờ rơi phát cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ và các siêu thị lớn tại các thành phố lớn của nước nhập khẩu.

2.Đối với các mặt hàng nông sản nói chung

Trong 4 tháng đầu năm 2019, nhiều lô hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam xuất sang Nhật Bản bị Nhật Bản áp lệnh kiểm tra do vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng của Nhật đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. Theo đó, Nhật Bảnáp lệnh kiểm tra 100% các chỉ tiêu Chlorpyrifos, Cypermethrin, Profenofos, Hexaconazole trên mùi tàutươi ; các mặt hàng rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm Fukurotake, quả thanh long tươi bị kiểm tra 30% một số chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật.

2.1. Quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm, nông sản

Để đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý các thủ tục về hải quan, kiểm tra chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản…, đặc biệt là giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng xuất khẩu, bởi CFS được xem là một công cụ để nước nhập khẩu sản phẩm kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào nước họ, cũng như gia tăng độ tin cậy. Khi một sản phẩm có CFS nghĩa là sản phẩm đó đã thông qua những phương pháp đánh giá kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại nước xuất khẩu; và sản phẩm đó cũng đã được cho phép sản xuất buôn bán và tiêu dùng tại nước sở tại. Doanh nghiệp xuất khẩu đã xin được giấy chứng nhận CFS sẽ dễ dàng hơn trong việc lưu hành sản phẩm của mình tại nước bạn, không bị mất nhiều thời gian và chi phí khác. CSF cũng là chứng nhận bắt buộc phải có để làm hồ sơ xin cấp phép công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đối với một số thực phẩm nhập khẩu đặc biệt như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia, hương liệu thực phẩm.

Về quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa thực phẩm, nông sản của Nhật Bản, có 3 loại kiểm tra chất lượng cần phải thực hiện. Đó là:

- Kiểm tra bắt buộc: Dựa trên luật an toàn vệ sinh thực phẩm, những thực phẩm nào có khả năng có vấn đề cao theo yêu cầu của Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản sẽ thực hiện kiểm tra bắt buộc khi nhập khẩu.

- Kiểm tra hướng dẫn: Cơ sở kiểm dịch sẽ xác nhận đơn vị nhập khẩu có thực hiện tốt trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm không. 

- Kiểm tra giám sát: Tại cơ sở kiểm dịch, hàng hóa không là đối tượng của kiểm tra bắt buộc thì với mục đích để nắm rõ tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, căn cứ vào kế hoạch hàng năm mà tiến hành giám sát liên tục, thực hiện xác nhận tính an toàn thực phẩm hiệu quả cao. Trường hợp có vi phạm về thuốc trừ sâu hay những vi phạm khác, thì sẽ tăng cường tần suất kiểm tra giám sát, nhằm xem xét có cần thiết cho vào loại kiểm tra bắt buộc hay không.

Kiểm tra bắt buộc và hướng dẫn sẽ do đơn vị kiểm định có đăng ký với Bộ Y tế Lao động, Phúc lợi Nhật Bản thực hiện. Kiểm tra giám sát do Phòng Kiểm dịch thực hiện nhưng có một phần được ủy thác cho đơn vị ngoài. Hàng hóa được xác định là không cần kiểm tra, hay kết quả kiểm tra là không có vấn đề sẽ được cấp chứng nhận hoàn tất kê khai nhập khẩu, có thể tiến hành thủ tục hải quan. Kết quả kiểm tra là vi phạm thì hàng không được bán tại Nhật, phải xử lý hoặc trả về.

Các quy định về chỉ tiêu, chất lượng hàng hóa thực phẩm, nông sản khi đưa vào thị trường Nhật Bản tham khảo tại địa chỉ website:

  •  

Thị trường Nhật Bản luôn có nhu cầu cao về trái cây tươi, rau xanh và nhiều mặt hàng nông sản khác, đây là cơ hội để hàng nông sản Việt Nam mở rộng tại thị trường Nhật Bản. Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các quy định về luật bảo vệ thực vật và luật an toàn vệ sinh thực phẩm.

2.2. Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản

Khi xuất khẩu hàng rau quả nông sản sang Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết đến tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (JAS - Japanese Agricultural Standards). Các tiêu chuẩn này do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) xây dựng. Người Nhật có sự tín nhiệm rất cao với sản phẩm mang nhãn JAS. Hệ thống này áp dụng cho cả sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Mục tiêu của JAS dựa trên Luật Tiêu chuẩn hoá và Ghi nhãn riêng cho sản phẩm nông lâm nghiệp, gọi là Luật JAS. Tham khảo tại:

http://www.maff.go.jp/soshiki/syokuhin/hinshitu/organic/eng_yuki_top.htm

Luật này có mục tiêu là xây dựng các tiêu chuẩn thích hợp cho các sản phẩm nông lâm nghiệp và thông qua việc phổ biến các tiêu chuẩn này sẽ giúp cải tiến chất lượng của nông lâm sản, hợp lý hoá việc sản xuất, thúc đẩy việc thương mại sòng phẳng và đơn giản, hợp lý hoá việc sử dụng và tiêu dùng, đồng thời đảm bảo ghi nhãn riêng cho nông lâm sản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn của người tiêu dùng và thúc đẩy phúc lợi công cộng.

Hệ thống JAS gồm hai phần: "Hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản” (Japanese Agricultural Standards) và "Hệ thống Tiêu chuẩn Ghi nhãn Chất lượng” (Quality Lebeling Standards Systems). "Hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản” được thiết kế nhằm cho phép các sản phẩm đã qua kiểm tra dựa trên các tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật bản được mang biểu tượng JAS. "Hệ thống Tiêu chuẩn Ghi nhãn Chất lượng" được thiết kế nhằm yêu cầu các nhà sản xuất và đơn vị bán hàng phải dán nhãn sản phẩm cuả họ phù hợp với các tiêu chuẩn về Ghi nhãn Chất lượng. Hệ thống JAS quy định cho gần 100 loại sản phẩm với khoảng 350 tiêu chuẩn cho các mặt hàng thực phẩm và vật liệu gỗ xây dựng. Các tiêu chuẩn về Ghi nhãn chất lượng được áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm. Theo các tiêu chuẩn này, đối với thực phẩm tươi phải có tên và nơi xuất xứ, với thực phẩm chế biến phải có tên, thành phần, hạn sử dụng v.v...Ngoài ra, hệ thống kiểm tra, chứng nhận và ghi nhãn cho sản phẩm thực phẩm hữu cơ cũng được xây dựng và tạo nên một nhãn riêng cho sản phẩm thực phẩm "hữu cơ".

JAS là các tiêu chí về chất lượng nông lâm sản như phân loại, thành phần cấu tạo, đặc tính hoặc về phương pháp sản xuất. Việc xây dựng, sửa đổi hoặc huỷ bỏ tiêu chuẩn JAS do sự quyết định của Ban Nghiên cứu về Tiêu chuẩn Lâm và Nông nghiệp gồm các chuyên gia là các đại diện hoặc nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tiêu dùng, sản xuất và phân phối. Các tiêu chuẩn quốc tế cũng được đưa ra cân nhắc. Tiêu chuẩn JAS phải được soát xét định kỳ 5 năm.

Về hệ thống chứng nhận, có hai phương pháp để được mang nhãn JAS: nhà sản xuất chọn một tổ chức phân loại đã được đăng ký (registered grading organization) hoặc họ tự tiến hành việc phân loại. Để có thể tự tiến hành việc phân loại và dán nhãn JAS, nhà sản xuất phải có được chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã được đăng ký.

Theo sửa đổi luật tháng 7/1999, các tổ chức hải ngoại cũng có thể cung cấp dịch vụ phân loại và chứng nhận nếu tổ chức đó thoả mãn được cùng các điều kiện như các tổ chức trong nước (đối với nông sản và lâm sản, chỉ áp dụng cho những nước có hệ thống phân loại tương đương JAS mà danh sách được nêu trong Quy định của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật). Công ty nước ngoài có thể đăng ký với Bộ này để được đăng ký là tổ chức chứng nhận và phân loại ngoài nước. Việc này đã tạo nên cơ sở pháp lý cho các sản phẩm sản xuất ở hải ngoại được phân loại và cấp nhãn JAS bởi chính các công ty phân loại ở nước sở tại, đồng thời, các nhà sản xuất được công nhận bởi các tổ chức chứng nhận hải ngoại đã được đăng ký cũng có thể tự tiến hành các thủ tục và dán nhãn JAS.

2.3. Thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản

Ngoài một số quy định kiểm tra và tiêu chuẩn hàng hóa, doanh nghiệp còn cần nắm được quy định về thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản.

Doanh nghiệp phải khai báo thông tin với Tổng cục Hải quan và xin giấy phép nhập khẩu sau khi tiến hành các thủ tục kiểm hóa hàng hóa. Hiện nay hầu hết thủ tục hải quan của Nhật được thực hiện qua máy tính.

Tờ khai nhập khẩu phải được làm sau khi hàng hóa được chuyển vào khu vực Hozei hoặc các khu vực chưa chính thức khác. Trong một số trường hợp đặc biệt, tờ khai có thể phải làm trong khi hàng hóa đang ở trên hoặc trước khi vào khu Hozei. Về nguyên tắc, tờ khai nhập khẩu phải được khai bởi người nhập khẩu, xong việc này thường được các đại lý hoặc người được ủy nhiệm thực hiện.

Chi tiết các hướng dẫn thực hiện thủ tục nhập khẩu, Hải quan Nhật Bản tham khảo tại: http://www.customs.go.jp/english/procedures/index.htm

Nhà nhập khẩu phải khai và nộp cho hải quan kèm theo các tài liệu sau theo mẫu C5020 của Hải quan:

(http://www.customs.go.jp/kaisei/youshiki/form_C/C5020.pdf)

- Hoá đơn thương mại;

- Vận đơn;

- Giấy chứng nhận xuất xứ - CO (Doanh nghiệp Việt Nam làm mẫu AJ để được hưởng ưu đãi);

- Phiếu đóng gói, biên lai cước vận chuyển, giấy chứng nhận bảo hiểm,...và những giấy tờ liên quan cần thiết;

- Giấy phép, giấy chứng nhận,... mà các quy định, luật khác ngoài luật hải quan yêu cầu (áp dụng theo các quy định, luật liên quan);

- Giấy đề nghị miễn giảm các khoản phí, thuế trong đó mô tả chi tiết các thông tin cần thiết, các quy định, luật liên quan;

- Biên lai thuế hải quan (nếu hàng hóa thuộc diện chịu thuế).

Hóa đơn thương mại

Phải có tối thiểu 3 bản sao hóa đơn thương mại. Các hóa đơn cần phải được nhà cung cấp ký tên và bao gồm các chi tiết sau:

- Số nhãn và số thứ tự của bao gói;

- Thông tin mô tả về hàng hóa;

- Phí bảo hiểm và phí vận chuyển;

- Địa điểm và thời gian lập hóa đơn;

- Nơi đến và người nhận;

- Số hiệu phương tiện vận chuyển;

- Số seri giấy phép nhập khẩu;

- Các điều kiện của hợp đồng liên quan đến việc xác định giá trị hàng hóa.

Vận đơn

Đối với hàng hóa được gửi bằng đường biển, yêu cầu phải có tối thiểu 03 bản vận đơn gốc đã ký và 02 bản sao.

Đối với hàng hóa được gửi bằng đường hàng không, yêu cầu phải có 01 bản vận đơn gốc và 09 bản sao nhưng không có các điều lệ chặt chẽ áp dụng. Nếu số lượng vận chuyển thực tế vượt quá số lượng ghi trong đơn hàng, cần phải nêu rõ tên và địa chỉ của người được thông báo. Thông tin trong giấy ủy thác của người nhập khẩu thường chỉ mang tính danh nghĩa nhưng phải gồm có tên phương tiện vận chuyển, người nhận trung gian và người nhận cuối cùng, nhãn mác và số seri của thùng hàng, thông tin mô tả hàng hóa gồm toàn bộ khối lượng và kích thước theo hệ mét.

Giấy chứng nhận xuất xứ

Hiện nay, Nhật Bản và Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác kinh tế, theo đó gần 80% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế ưu đãi. Bộ Công Thương đã ban hành mẫu C/O AJ. Để hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp có thể làm mẫu C/O trên khi xuất hàng hóa sang Nhật Bản.

Phiếu đóng gói

Yêu cầu 2 bản sao, chỉ rõ các thông số của hàng hóa, gồm cả thông tin về trọng lượng và kích thước của mỗi kiện hàng.

Giấy chứng nhận bảo hiểm

Giấy chứng nhận bảo hiểm có thể được yêu cầu nếu giấy kiểm tra hải quan không có hóa đơn được đề nghị (để xác định giá trị thuế/chất lượng). Trong trường hợp như vậy, các tài liệu khác ghi giá trị vận chuyển, mức phí bảo hiểm và bảng giá…có thể được yêu cầu.

Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản được kiểm soát bằng một hệ thống luật pháp tương đối chặt chẽ vì các lý do bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế hoặc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Nhật Bản cần tìm hiểu kỹ và tuân thủ nghiêm túc những quy định và luật về nhập khẩu của Nhật Bản.

Những mặt hàng yêu cầu giấy phép nhập khẩu phải tuân thủ các quy trình, quy định, luật của hải quan. Với một số mặt hàng nhập khẩu có hạn ngạch, nhà nhập khẩu phải xin hạn ngạch tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Ministry of Economy, Trade and Industry - METI). Thủ tục nhập khẩu những mặt hàng thuộc loại nguyên liệu, chế biến thô hoặc bán thành phẩm thường thông thoáng và dễ dàng hơn.

Hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản còn bị chi phối bởi hàng loạt các luật lệ và quy định về kiểm dịch, trách nhiệm của nhà sản xuất. Người kinh doanh sản phẩm phải bồi thường đối với các thiệt hại do bán cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng không đảm bảo. Sau đây là một số quy định luật pháp thương mại tiêu biểu và có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa:

Luật vệ sinh thực phẩm

Hiện nay, Nhật Bản thường xuyên điều chỉnh Luật vệ sinh thực phẩm theo chiều hướng thắt chặt hơn, do người Nhật ngày càng có xu hướng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm do lo ngại nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm kém chất lượng. Luật vệ sinh thực phẩm quy định cho tất cả các thực phẩm và đồ uống tiêu dùng trên thị trường Nhật Bản. Hàng hóa được phân chia thành nhiều nhóm: các gia vị thực phẩm, các máy móc dùng để chế biến và bảo quản thực phẩm, các dụng cụ đựng và bao bì cho các gia vị cũng như cho thực phẩm, đồ chơi trẻ em và các chất tẩy rửa dùng cho việc làm sạch thực phẩm và đồ ăn. Các loại hàng này khi đưa vào sử dụng phải có giấy phép của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Quy định về nhãn mác sản phẩm

Nghiêm cấm sử dụng rơm rạ làm chất liệu đóng gói hàng hóa vì người Nhật cho rằng rơm rạ là vật rất dễ là mầm gây bệnh truyền nhiễm, đồng thời đó cũng không phải là vật liệu tốt nhất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Khi giao hàng nên hỏi rõ người nhập khẩu về cách thức và quy cách đóng gói, bảo quản hàng hóa.

Hàng hóa xuất khẩu vào Nhật Bản được dãn nhãn theo thông lệ thương mại, hàng hóa đã được dán mác ở nước xuất xứ rồi vẫn phải dán nhãn mác ghi bằng tiếng Nhật theo quy định của Nhật Bản ở vị trí dễ nhận biết hơn, bao gồm các thông tin:

- Thông tin về thành phần sản phẩm,

- Thông tin an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn được quy định bởi chính phủ,

- Thông tin cảnh báo người tiêu dùng,

- Thông tin hướng dẫn sử dụng,

- Thông tin về xuất xứ, thời hạn sử dụng và các thông tin khác…

2.4. Hạn ngạch nhập khẩu

Xuất phát từ mục đích bảo hộ sản xuất trong nước và một số lý do như an ninh quốc gia, vấn đề về môi trường v.v…, một số loại hàng hóa được áp dụng quy chế hạn ngạch nhập khẩu và chấp thuận nhập khẩu từ trước.

Hạn ngạch nhập khẩu được áp dụng với ba loại hàng hóa sau:

- Các mặt hàng thuộc diện kiểm soát bắt buộc của nhà nước: bao gồm vũ khí, rượu, chất nổ, súng cầm tay và dao, vật liệu hạt nhân, ma túy và các thực phẩm cần phải kiểm soát như gạo.

- Những mặt hàng hạn chế nhập khẩu, bao gồm một số loại hải sản như cá trích, cá mòi, sò, v.v... và một số chất bị kiểm soát quy định tại Nghị địnhthư Montreal như chất làm lạnh CFC, v.v...

- Các loại thực vật và động vật có tên trong Bản phụ lục I của Công ước quốc tế về các loài động – thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trong hệ động –thực vật (CITES).

Ở Nhật Bản, hạn ngạch nhập khẩu được tính toán trên cơ sở dự đoán nhu cầu về hàng hóa và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Vào đầu và giữa năm tài chính (từ tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm tiếp theo), Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) phê duyệt những mặt hàng nhập khẩu theo quy chế hạn ngạch được ghi rõ trong thông báo nhập khẩu.

Các thông tin cần thiết về hạn ngạch nhập khẩu được công khai trên trang web của Bộ METI, bao gồm cả các thông tin về xin cấp hạn ngạch, số lượng hạn ngạch được phân bổ, ngày xin cấp, nước xuất xứ được cấp hạn ngạch. Theo đó, nhà nhập khẩu sẽ nắm được thông tin khi nào cần xin cấp hạn ngạch.

Việc xin cấp hạn ngạch cần được thực hiện trước, nộp đầy đủ giấy tờ liên quan cho Bộ METI. Sau khi nhận lại đơn đã được phê duyệt chính thức, nhà nhập khẩu mới được tiến hành các thủ tục nhập khẩu.

2.5. Hạn ngạch thuế quan

Nhật Bản duy trì hạn ngạch thuế quan (TRQ) chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực nông sản. Tất cả các hạn chế dưới hình thức TRQ của Nhật Bản đều tuân thủ chặt chẽ cam kết của nước này trong khuôn khổ WTO và Nhật Bản duy trì mức độ mở cửa thị trường như cam kết trong WTO.

Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp là cơ quan trực tiếp phê duyệt phân bổ hạn ngạch. Thủ tục phê duyệt của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp tương đối phức tạp, bao gồm việc lấy ý kiến của các tổ chức khác, như các hiệp hội công, nông nghiệp. Các hạn ngạch cho các mặt hàng gạo, lúa mì và lúa mạch, các sản phẩm từ sữa do doanh nghiệp thương mại nhà nước (doanh nghiệp có đặc quyền nhập khẩu) thực hiện. Các sảnphẩm khác có thể do các doanh nghiệp nhập khẩu theo hạn ngạch được cấp. TRQ của Nhật Bản được phân bổ một lần trong năm tài chính. Số lần phân bổ có thể được bổ sung tùy thuộc vào tình hình cung ứng thực phẩm, giá thực phẩm và các yếu tố khác. Hạn ngạch nhập khẩu được phân bổ theo số lượng được nhập khẩu, chứ không phân theo giá trị nhập khẩu.

Nhật Bản áp dụng hai cách thức phân bổ hạn ngạch nhập khẩu: (i) Phân bổ cho các công ty thương mại để nhập khẩu; (ii) Phân bổ tới người sử dụng hàng hóa (các nhà sản xuất và các tổ chức sử dụng mặt hàng nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất). Đôi khi Nhật Bản áp dụng cả hai hệ thống phân bổ hạn ngạch tùy từng trường hợp cụ thể. Thông thường, việc cấp hạn ngạch sẽ được thực hiện theo cơ sở đăng ký trước thì được phân bổ trước cho đến khi hết hạn ngạch. Do đó, chỉ có doanh nghiệp hoạt động tại nước nhập khẩu mới hiểu rõ nhất về cơ chế cấp hạn ngạch. Chỉ khi có được chứng nhận về hạn ngạch được phân bổ, doanh nghiệp nhập khẩu mới có quyền nhập khẩu theo số lượng quy định.

                                                THEO TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI

 

1505 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21895838
Lượt truy cập