Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các huyện có vùng trồng vải thiều quan tâm chăm sóc, tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap đảm bảo năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, diện tích trồng vải năm nay trên là 28.000 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (vượt khoảng 20.000 tấn so với KH), trong đó: Diện tích trồng vải sớm 6.050 ha, vải chính vụ trên 21.900 ha; vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 15.200 ha; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 82 ha; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219,45 ha.
Công tác tổ chức sản xuất vải theo các tiêu chuẩn an toàn phục vụ xuất khẩu đáp ứng nhu cầu vơi từng thị trường các nước khác nhau:
Đối với thị trường Trung Quốc: Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng tại 04 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn); duy trì 289 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu (trong đó: huyện Tân Yên 15 cơ sở, Yên Thế 15 cơ sở, thành phố Bắc Giang 3 cơ sở, Lục Nam 26 cơ sở, Lục Ngạn 230 cơ sở); cấp bổ sung thêm 11 cơ sở, nâng tổng số cơ sở đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc là 300 cơ sở; đồng thời Sở sẽ phối hợp với các địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nông dân cách thu hoạch, sơ chế, nhặt lá, cắt cuống theo yêu cầu riêng của thị trường Trung Quốc.
Đối với thị trường Nhật Bản: Thực hiện cấp mã số vùng trồng cả cũ và mới là 30, với 260 hộ nông dân tham gia; duy trì cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói đáp ứng nhu cầu phục vụ xuất khẩu; cử chuyên gia giám sát và thực hiện việc kiểm dịch thực vật ngày tại xưởng sản xuất trước khi đóng giói.
Đối với thị trường Mỹ, Úc, EU..: Tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng tại 06 xã (Giáp Sơn, Tân Mộc, Tân Sơn, Hồng Giang, Kiên Lao, Tân Quang) huyện Lục Ngạn; năng suất 84 tạ/ha; có cán bộ thường xuyên hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng qui trình để đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu vào thị trường khó tính này.
Nhìn chung, công tác chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu từ đầu vụ đến nay được thực hiện tốt, triển khai sớm, chủ động; các trà vải đến nay đều sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Hi vọng một vụ mùa bội thu với người nông dân, được mùa được giá./.
Trung tâm KC&XTTM