Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Tăng cường triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020 

Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là Cuộc vận động) giai đoạn 2014 – 2020.
Tăng cường triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020

Với quan điểm “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động với mục đích lâu dài nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc”, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là Đề án) đặt ra một số mục tiêu cụ thể và đặc biệt tập trung vào một số nhiệm vụ chính như sau:

1. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ hệ thống phân phối hàng Việt Nam, nhằm đảm bảo mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi "Tự hào Việt Nam"

2. Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm đảm bảo mục tiêu: Đến năm 2020, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ kết  nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam;

3. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối trên địa bàn, nhằm đảm bảo mục tiêu: Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

- Đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động; đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%;

- Đến năm 2020, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhóm nhiệm vụ/giải pháp sau:

- Thông tin, truyền thông.

- Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam:

+ Xây dựng chương trình hành động, tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng;

+ Xây dựng các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác việc kinh doanh trên môi trường mạng.

- Kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Thực hiện nghiêm chỉnh hoạt động giám sát các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt Nam, để bảo đảm mục đích của Cuộc vận động và tạo lòng tin cho người tiêu dùng;

- Phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam của các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam, đi đầu trong thực hiện phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động; tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ doanh nhân, trí thức cũng như của toàn thể người lao động Việt Nam trong đầu tư đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

- Xây dựng các chương trình khuyến khích ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đối với tiêu dùng cá nhân như: Cập nhật, công bố, quảng bá thường xuyên và kịp thời danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”.

- Xây dựng các chương trình vinh danh và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động.

- Xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước. Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt Nam.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt theo hướng bền vững.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam.

- Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở địa bàn nông thôn, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

- Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cấp vùng, miền về kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu Việt Nam, kết nối cung cầu….

Tổng kinh phí dự kiến khoảng: 228,93 tỷ đồng.

Ban hành kèm theo Quyết định là Danh mục các chương trình thực hiện Đề án.

Hiệp hội ngành nghề, ngành hàng có trách nhiệm chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin kinh tế kịp thời, đầy đủ, chính xác cho hội viên; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động theo các nội dung của Đề án.

Nguồn: XTTM

1105 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23122333
Lượt truy cập