Khả năng tự cung ứng của Hà Nội là rất cao: Trứng gà khoảng 66%; thịt gà cơ bản đáp ứng nhu cầu trong điều kiện bình thường. Hiện nay do bị dịch tả lợn Châu phi do đó nguồn cung thịt lợn bị thiếu do đó rất cần các sản phẩm khác như thịt gà hoặc các thực phẩm chế biến khác thay thế cho thịt lợn,đây là cơ hội để sản phẩm, hàng hóa chất lượng các địa phương trong đó có Gà đồi Yên thế và các sản phẩm chủ lực nông sản thực phẩm của tỉnh Bắc Giang kết nối, đưa về phát triển thị trường, phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, kết nối cung- cầu sản phẩm hàng hóa với các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó hoạt động giao thương hàng hóa giữa Hà Nội và tỉnh Bắc Giang được hai địa phương triển khai mạnh mẽ, đã kết nối tiêu thụ, hỗ trợ quảng bá rất nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như vải thiều Lục Ngạn; Mỳ chũ; Gà đồi Yên Thế; trái cây có múi (cam, bưởi, quýt...); rau các loại, rau cần..., kết nối trực tiếp sản phẩm vào các siêu thị: BigC, Co.opmart, Vinmart...; đồng thời hỗ trợ lưu chuyển sản phẩm tỉnh Bắc Giang qua chợ đầu mốinông sản thực phẩm Đền Lừ, Long Biên, chợ gia cầm Hà Vĩ.
Nông sản thực phẩm được phân phối phục vụ người tiêu dùng Thủ đô thông qua các trung tâm thương mại; siêu thị, chợ và các cửa hàng tiện ích; cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện...
Thị trường Hà Nội mở rộng các chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố trong đó có các nhà cung cấp của huyện Yên Thế và các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cung cấp sản phẩm thịt gia súc, thực phẩm chế biến, thịt gia cầm, rau các loại, nấm; chè..., đặc biệt kết nối sản phẩm của các hộ chăn nuôi gà đồi Yên Thế thông qua Công ty CP Giang Sơn và một số DN, HTX (HTX nông nghiệp xanh Yên Thế ....) khác vào thị trường Hà Nội.
Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội cùng hợp tác và hỗ trợ các hộ chăn nuôi gà của huyện Yên Thế đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá cho thương hiệu Gà đồi Yên Thế và tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm qua kênh chợ đầu mối trong đó có chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ Bắc Thăng Long, chợ La Khê...,các Siêu thị, các hội chợ triển lãm trên địa bàn Thành phố, các sản phẩm hầu hết đã có mặt ở các hệ thống phân phối lớn của Hà Nội (Hapro, BigC, Vinmart, Coopmart, Intimex...), các loại gà nguyên con hoặc sản phẩm chế biến từ thịt gà (giò gà, các món ăn từ gà...) đã được người dân Thủ đô đón nhận.
Hiện nay, đối với việc tiêu thụ Gà đồi Yên Thế, Bắc Giang theo thông tin từ các đơn vị Hà Nội là việc hỗ trợ tiêu thụ không nhiều (sản lượng qua chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ- Hà Nội chưa lớn hiện chỉ khoảng trên 02 tấn/ ngày, qua các hệ thống phân phối trên 1200 con/ngày.... nguyên nhân chủ yếu là chất lượng sản phẩm chưa được đồng đều, công tác bảo quản gà đã qua giết mổ khi vận chuyển còn chưa được đảm bảo, khó xác định tem thật để truy xuất nguồn gốc, giá thành chưa mang tính ổn định lâu dài, công tác tuyên chưa được thường xuyên, mẫu mã bao bì chưa được cải thiện hấp dẫn người tiêu dùng, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu mối, HTX bao tiêu sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối đảm bảo chất lượng, uy tín cho nhà phân phối và người tiêu dùng chưa kết nối được nhiều vào hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Thành phố...
Xu hướng tiêu dùng đối với nông sản của người tiêu dùng Thủ đô do các nhà bán lẻ, siêu thị nhận định là chuộng nông sản, sản phẩm hàng hóa trong nước sản xuất với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, ưu tiên lựa chọn là những sản phẩm có thương hiệu các địa phương. Thực tế, qua các hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các địa phương tại Hà Nội đã được người tiêu dùng Thủ đô quan tâm, mua rất nhiều sản phẩm đặc sản các địa phương được bày bán, do đã yên tâm về chất lượng sản phẩm, sẵn sàng chấp nhận mức giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.
Nắm bắt được nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng Thủ đô, để hỗ trợ sản phẩm gà đồi Yên Thế đẩy mạnh kết nối vào kênh phân phối Hà Nội, quảng bá được thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội có một số yêu cầu:
1. Các hộ chăn nuôi phải quan tâm từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc đảm bảo gà khi xuất chuồng chất lượng gà phải tốt, đảm bảo ATTP, trọng lượng đáp ứng đa dạng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng (dùng sinh hoạt ngày, dùng chế biến của các tiệc cưới, nhà hàng...; quan tâm sản xuất các sản phẩm chế biến từ gà đa dạng phong phú).
2. Gà đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải được dán tem truy xuất nguồn gốc (cả gà lông và gà đã qua giết mổ). Các cơ sở giết mổ phải đảm bảo An toàn thực phẩm theo quy định.
3. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, thương hiệu Gà đồi Yên Thế; phối họp với các tỉnh tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất sứ lưu thông trên thị trường đặc biệt là tuyến đường từ Lạng Sơn qua Bắc Giang về Hà Nội.
4. Đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá cho thương hiệu Gà đồi Yên Thế đến với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước. Quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã sản phẩm gây ấn tượng, bắt mắt người tiêu dùng, trọng lượng đóng gói phải đa dạng phù hợp với từng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
5. Các DN, HTX phải có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu mua, tiêu thụ, vận chuyển.. để đảm bảo sản lượng gà cung cấp cho các nhà phân phối đảm bảo chất lượng trước sau như một, hạ được giá thành sản phẩm canh tranh được nhiều thương hiệu gà cảu các địa phương khác và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Do đó Sở Công Thương Hà Nội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các sản phẩm nông sản thực phẩm của tỉnh Bắc Giang trong kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh nói chung và sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” nói riêng như: Giới thiệu doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn của Hà Nội kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm lợi thế của tỉnh Bắc Giang trên địa bàn thành phố Hà Nội để người tiêu dùng biết, quan tâm và sử dụng.
Trung tâm KC&XTTM - Tổng hợp