Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Thực trạng hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014 - 2020 

Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020, hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Giang giai đoạn năm 2014 - 2020 đã khẳng định được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thực trạng hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014 - 2020

              Đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang (áo trắng) và đồng chí Ngô Quang Trung, Cục Trưởng Cục Công Thương địa phương (ở giữa) thăm mô hình sản xuất tại Tổng công ty may Bắc Giang (LGG)

             Các nội dung hoạt động khuyến công đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, thành phố; văn bản quy định về khuyến công được ban hành kịp thời tạo hành lang pháp lý cho quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch; trong quá trình thực hiện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh tăng dần theo từng năm; kế hoạch khuyến công hàng năm được tham mưu xây dựng bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của tỉnh. Việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng chặt chẽ, có sàng lọc theo quy trình và đúng quy định của pháp luật. Các ngành nghề ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, là hạt nhân tạo sức lan tỏa; đồng thời thực hiện tất cả 9/9 nội dung hoạt động khuyến công theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, tập trung hỗ trợ phát triển các ngành nghề có thế mạnh tại địa phương như chế biến nông, lâm sản, may mặc, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng...

          Theo đó, giai đoạn năm (2014 - 2020), từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức thực hiện 222 đề án, huy động được gần 600 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở địa phương. Trong đó, hàng trăm cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học, hiệu quả kinh tế rõ rệt, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, thu nhập của người lao động ổn định. Mặt khác, góp phần động viên, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trình diễn, phổ biến, nhân rộng mô hình tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

              Ngoài ra, luôn  duy trì, phát triển hình ảnh thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp, đặc sản làng nghề của tỉnh bằng việc hỗ trợ tư vấn, thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm cho cơ sở CNNT thuộc lĩnh vực sản xuất chế biến nông, lâm sản là ngành nghề thế mạnh của địa phương; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận, nắm vững các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công của Đảng và Nhà nước; đồng thời quảng bá, giới thiệu các mô hình khuyến công hiệu quả, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn. Thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến công, trao đổi học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, khảo sát thị trường, nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý cụm công nghiệp ở nước ngoài…

             Trong giai đoạn năm (2014 - 2020), tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và biến đổi nhanh chóng, đặc biệt là đại dịch Covid - 19 diễn biến trên toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn; song với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị tỉnh Bắc Giang nói chung, Sở Công Thương nói riêng đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân của tỉnh đạt khoảng 14%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc tăng trưởng dẫn đầu của cả nước; quy mô GRDP năm 2020 đạt gần 23 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000 USD, bằng bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 57,7%, dịch vụ chiếm 24,7%, nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,6%; đồng thời, duy trì, phát triển 39 làng nghề, trong đó một số làng nghề truyền thống đã từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế có sự tăng trưởng khá, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn.

           Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến sâu rộng, làm động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn ở địa phương. Trong thời gian tới, nội dung hoạt động khuyến công của tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung hỗ trợ những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, có khả năng tăng giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, ngân sách nhà nước. Tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghệ dệt may, da giày, may mặc nhưng ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh Bắc Giang có lợi thếƯu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; tuyệt đối tránh dàn trải trong lựa ngành công nghiệp, công nghiệp nền tảng. Tập trung hỗ trợ phát triển các nhóm ngành nghề nông thôn: chế biến nông, lâm, thủy sản nhưng chủ yếu chế biến tinh, cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng mới, hàng thủ công mỹ nghệ. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có điều kiện phát triển; chú trọng phát triển nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp, khu vực dân tộc thiểu số.

           Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Sở Công Thương sẽ thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính như: Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động khuyến công phù hợp với cơ chế, chính sách hiện hành và điều kiện thực tế của tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khuyến công. Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cân đối bố trí ngân sách địa phương dành cho hoạt động khuyến công, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh nhà; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ khác của Trung ương để thực hiện tốt mục tiêu của kế hoạch khuyến công hàng năm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công hàng năm; tổ chức triển khai các đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, nội dung yêu cầu đề ra. Thực hiện tốt các nội dung hoạt động khuyến công sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX đưa công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành kinh tế của tỉnh nhà; phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu của cả nước về quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước và đến năm 2030 là một trong những trung tâm công nghiệp trong khu vực./.

               Trung tâm KC&XTTM

455 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23155031
Lượt truy cập