Một khảo sát của Q&Me - tổ chức nghiên cứu thị trường đang hoạt động tại Việt Nam thực hiện hơn 350 mẫu khách hàng tại Việt Nam - cho thấy, logistics là một trong những yếu tố then chốt để họ quyết định có lựa chọn MSTT hay không. Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài yếu tố giá cả, sự tiện lợi của TMĐT khi giao hàng tận nhà là yếu tố quan trọng với khách hàng. Bên cạnh đó, việc có thể theo dõi đơn hàng, tốc độ và chi phí giao hàng cũng quan trọng và tác động đến trải nghiệm của khách hàng. Thêm vào đó, công nghệ là yếu tố làm nên sự khác biệt cho logistics TMĐT. Đây cũng là động lực giúp quản lý các quy trình làm việc, tăng trải nghiệm của khách hàng, minh bạch lộ trình hàng hóa cho tất cả các bên.
Tuy nhiên, trở ngại lớn liên quan đến logistics cho TMĐT ở Việt Nam hiện nay là hành lang pháp lý và thủ tục hành chính. Hiện tại, chúng ta chưa có luật dành cho logistics TMĐT. Ví dụ, hóa đơn tài chính là một chứng từ bắt buộc khi hàng hóa đang đi trên đường. Tuy nhiên, với TMĐT và đặc trưng của Việt Nam là giao hàng và thu tiền thì hàng trên đường chưa phải là một giao dịch thành công. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để xuất hóa đơn đỏ. Một trở ngại nữa đó là ở Việt Nam chưa có hệ thống giáo dục chính thức cho TMĐT ngành logistics. Năng lực giao hàng cũng đang là một trở ngại. Hiện nay, phương tiện chủ yếu dùng để chở hàng là xe máy. Hiện chúng ta đang cải tiến phương tiện này bằng cách gắn thêm thùng phía sau nhưng sức chứa hạn chế. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc đưa phương tiện mới như xe ba bánh điện vào khai thác để tăng công suất và hiệu quả giao hàng. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng, công nghệ, giao hàng thu tiền… làm cho hiệu quả của hệ thống logistics của Việt Nam còn thấp.
Để giải quyết các vấn đề và thúc đẩy sự phát triển của hoạt động logistics phù hợp với kinh tế số, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta - kiến nghị cần thành lập mới cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này cho một bộ, ngành cụ thể. Bên cạnh đó, cần luật hóa việc chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, luật hóa nền tảng công nghệ thông tin bằng điều kiện kinh doanh… Nhà nước cũng nên xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất công nghiệp tại nội đô các thành phố sang cho doanh nghiệp logistics để quy hoạch thành các trung tâm khu vực, tạo lợi thế đồng bộ cho hệ thống logistics.
Nguồn: Tổng hợp