Ứng dụng TMĐT – Giải pháp bứt phá cho doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Năm 2021, TMĐT sẽ là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá, tạo ra những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, uy tín. Doanh nghiệp có thể không mất phí xây dựng và vận hành; giảm chi phí marketing, tiếp cận trực tiếp với khách hàng lớn; giảm chi phí đầu tư nhân sự; tăng chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng mô hình vận hành, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc quản lý tồn kho và cung ứng sản phẩm cũng như thủ tục lên sàn đơn giản, nộp hồ sơ và duyệt trực tuyến...
Tại tỉnh Bắc Giang, nhằm mục đích tạo môi trường giao dịch thương mại thuận lợi, thông qua các nền tảng số, hỗ trợ “hội viên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau” và hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đến người tiêu dùng, mới đây, Ngày 4/5/2021 Sở Công Thương đã xúc tiến việc thành lập sàn TMĐT của Hiệp hội, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị - tập huấn và triển khai văn bản pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) cho đội ngũ cán bộ quản lý của Sở và lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Thực trạng phát triển thương mại điện tử hiện nay và các hành vi, vi phạm phổ biến; Vấn đề quản lý nhà nước về TMĐT và các thách thức đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử thời kỳ hậu Covid 19; Chính sách TMĐT và xu hướng chuyển đổi số sang nền kinh tế số của Việt Nam, Phân tích mô hình hoạt động TMĐT quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/9/2019 về một số chủ trươmg, chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 645/QĐ-TTG ngày 15/5/2020 của Thủ Tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển TMĐT gia đoạn (2021-2025); Tình hình thực thi, kiểm tra, xử lý vi phạm và các chế tài quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP; Quy trình đăng ký, thông báo website thương mại điện tử; Quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong và tình hình thực thi pháp luật trong TMĐT…..
Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu đề ra sẽ có khoảng 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng...; Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử. Về tương quan phát triển thương mại điện tử giữa thành thị và nông thôn phấn đấu 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp có 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để thực hiện mục tiêu trên trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy thực hiện công tác quản lý nhà nước, bộ phận chuyên trách thực hiện các hoạt động về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Phát triển hạ tầng thẻ thông minh tích hợp thanh toán và các dịch vụ thương mại điện tử, liên kết đa ngành, đa dịch vụ trên nền tảng công nghệ số. Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tự động hóa trong công tác quản lý, điều hành của tỉnh; tăng cường an toàn, an ninh mạng phù hợp với những yêu cầu của thời kỳ kinh tế số. Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền, đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử; hỗ trợ tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử.
“Phát triển thương mại điện tử sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, góp phần quan trọng cho lộ trình chuyển đổi số”.
Trung tâm KC&XTTM Bắc Giang – Tổng hợp