Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Thương mại điện tử với doanh nghiệp 

Thời đại công nghệ thông tin, mạng internet ngày càng phổ biến, không ngừng mở rộng và được nâng cấp thì các loại hình kinh doanh online, các giao dịch thương mại trực tuyến ngày càng bùng nổ. Sự phát triển của Internet đã làm chuyển biến dần hình thức kinh doanh thương mại thông thường sang hình thức kinh doanh thương mại toàn cầu thông qua nhiều ứng dụng trên các thiết bị điện tử thông minh như máy tính, máy tính bảng hoặc qua điện thoại thông minh (smartphone).... Và những giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông qua các thiết bị thông minh được gọi là thương mại điện tử (TMĐT).
Thương mại điện tử với doanh nghiệp

Thương mại điện tử đã ra đời và phát triển như ngày nay là kết quả tất yếu của thời đại kinh tế số, vì thế việc trao đổi dữ liệu giữa người cung cấp và người sử dụng cũng thuận tiện hơn, nhanh hơn và phổ biến hơn. Đặc biệt trong thời đại mà sản xuất sử dụng máy móc có áp dụng những tính năng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; công nghệ tự động hóa sẽ tiếp tục lên ngôi và được ứng dụng rộng rãi thì việc các doanh nghiệp, đơn vị càng phải biết nắm bắt và vận dụng lợi thế đó và coi đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Để phát huy tốt các hình thức và ứng dụng của TMĐT, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh phải biết tận dụng tối đa những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại.

Về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet, hiện nay, các nhà mạng liên tục nâng cấp chất lượng đường truyền và ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. Cụ thể, nhà mạng cung cấp dịch vụ 2G, 3G rồi từng bước nâng cấp lên 4G (4G là chữ viết tắt của fourth-generation) là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gb/giây). Tên gọi 4G do IEEE đặt ra để diễn đạt ý nghĩa "3G và hơn nữa”. 4G còn được hiểu như là ngôn ngữ sử dụng thứ 4 trong công nghệ vi tính. Rất có thể trong thời gian tới sẽ là dịch vụ 5G với nhiều tiện ích hơn đối với người dùng.

Thời gian gần đây, số lượng người truy cập internet trên toàn cầu tăng nhanh, đó là cơ sở quan trọng để hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế số phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nắm bắt xu hướng này, các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng Website hoặc tạo lập các trang bán hàng trực tuyến khá đơn giản, thuận tiện nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh còn tích cực tham gia các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng.

Nhờ có mạng Internet và sự phát triển của TMĐT, người dân cũng được tiếp xúc nhiều hơn với đa dạng các mặt hàng, dịch vụ từ khắp mọi miền, có cơ hội tham gia nhiều hơn vào việc mua bán, giao dịch hàng hóa trên các Website TMĐT và các trang mạng xã hội khác. Giá trị hàng hóa giao dịch trực tuyến có thể từ vài nghìn đồng đến những sản phẩm cụ thể có giá hàng tỷ đồng như xe hơi, nhà đất....và nhiều dịch vụ vô hình khác với đủ loại giá khác nhau như học trực tuyến, tư vấn kiến thức, và điển hình nhất là các trò chơi điện tử trực tuyến mà nhiều người vẫn thường thấy v.v... Kết quả là sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử mà hoạt động mua bán trực tuyến cũng ngày càng trở nên quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng từ già đến trẻ tại các thành phố lớn cũng như ở nông thôn. Thương mại điện tử cũng tạo ra công ăn việc làm công bằng và bình đẳng cho rất nhiều lao động ở cả khu vực thành thị và nông thôn, mang lại thu nhập cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Minh chứng rõ nét nhất cho lĩnh vực kinh doanh mới, hiện đại và đang phát triển mạnh mẽ này là những năm gần đây đội ngũ Shipper chuyên nghiệp (là những người làm nhiệm vụ vận chuyển và giao hàng tận tay người mua) phát triển nhanh về số lượng và tần suất làm việc. Dù mỗi người chỉ phụ trách một khu vực nhất định nhưng công việc của họ luôn bận rộn và bị cuốn theo những đơn hàng phải trả ở nhiều địa chỉ khác nhau. Các shipper đảm nhiệm công việc giao hàng tới tận tay người mua, nhận tiền thay người bán tùy thuộc cách thức thanh toán món hàng nhưng đa phần shipper đều chịu trách nhiệm thu tiền hàng giúp đơn vị kinh doanh. Theo khảo sát, mức thu nhập của “những người vận chuyển” chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh khá ổn định và ở mức trên 7 triệu đồng mỗi tháng cho 8 giờ làm việc/ngày. Thông qua nhà mạng và các shipper mà hàng hóa giao dịch trên môi trường mạng được mua bán thành công. Đồng thời cũng chính họ là những người âm thầm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh như ngày nay. Ngược lại, TMĐT đã trở thành kênh tạo việc làm hữu hiệu và cần câu cơm cho nhiều lao động ở nhiều địa phương khác nhau. Rõ ràng những lợi ích to lớn và độ phổ biến của TMĐT không cần phải bàn cãi và đã trở thành công cụ quan trọng đối với mọi doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Lợi ích mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến như:

- Tiết kiệm thời gian: Với TMĐT, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh và sản phẩm bởi chỉ cần một vài thao tác với những ngôn từ ngắn gọn, đối tác và người tiêu dùng ở nhiều nơi đã có thể nắm bắt được thông tin về hàng hóa mà mình quan tâm. Thay vào đó, doanh nghiệp không tốn thời gian và nhân sự cho việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm ở nhiều vùng miền khác nhau.

Quảng bá thông tin, tiếp thị toàn cầu dễ dàng: Với khả năng kết nối internet hiện nay, bạn có thể dễ dàng đưa thông tin quảng cáo đến hàng triệu người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính chi trả cho việc quảng bá mà doanh nghiệp cần có kế hoạch quảng cáo cho phù hợp.

- Dịch vụ tốt hơn cho khách hàng: Với TMĐT, đơn vị bán hàng có thể cung cấp catalogue, thông tin, bảng báo giá chi tiết cho khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện, khiến việc mua hàng trên mạng trở nên dễ dàng phổ biến… Trong thời đại ngày nay, cuộc sống số hóa đã đẩy nhịp sống tăng cao, khách hàng ngày càng đòi hỏi mọi thứ phải nhanh hơn từ thông tin sản phẩm, việc mua hàng, thanh toán và các chính sách hậu bán hàng như bảo trì, bảo dưỡng, đổi trả hàng không đạt yêu cầu.

Tăng doanh thu, lợi nhuận: Với TMĐT, đối tượng khách hàng của người bán giờ đã không còn giới hạn về khoảng cách địa lý hay thời gian làm việc. Do đó mỗi doanh nghiệp hoàn có thể tiếp cận được số lượng khách hàng lớn một cách dễ dàng, giúp đẩy cao doanh thu lợi nhuận của mình.

Giảm chi phí phát sinh: Với TMĐT, doanh nghiệp và đơn vị bán hàng sẽ không tốn kém quá nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, nhân viên phục vụ,… đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu, các chi phí phát sinh do khoảng cách địa lý có thể giảm thiểu đi đáng kể bở hàng hóa đều được thể hiện rõ nét và thông tin chi tiết trên các website.

Lợi thế cạnh tranh: Trong bối cảnh đa số doanh nghiệp hiện nay đều tham gia TMĐT ở những hình thức, mức độ khác nhau. Do vậy doanh nghiệp nào có những ý tưởng sáng tạo, chiến lược tiếp thị tốt sẽ là lợi thế để cạnh tranh không hề nhỏ. Bởi TMĐT là một sân chơi cho sự sáng tạo, sự đột phá cho tất cả mọi doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn.

Một điều tất yếu mà không ai có thể phủ nhận vai trò của TMĐT trong thời gian qua, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. TMĐT không chỉ giúp họ tăng doanh thu, tiếp cận đông đảo khách hàng từ nhiều vùng miền mà còn giúp quảng bá hình ảnh và uy tín của đơn vị với các đối tác mới. Đồng thời TMĐT cũng giúp thu hẹp khoảng cách không gian và thời gian giữa nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ với khách hàng. Đó là những lợi ích không hề nhỏ mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Vì vậy doanh nghiệp cần hiểu sâu sắc vấn đề này để có chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh thông qua con đường thương mại điện tử một cách bài bản, hiệu quả và có hệ thống ./.

Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại 

597 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21851180
Lượt truy cập