Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2020 Và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 

Tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xác định sẽ trở thành tỉnh có vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia; quyết tâm hành động theo đuổi mục tiêu dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: Vải thiều, các loại cây có múi, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đặc biệt Bắc Giang được coi là “thủ phủ” trái cây ở miền Bắc Việt Nam và là “kinh đô” của vải thiều với diện tích, sản lượng được tiêu thụ lớn nhất cả nước.
Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2020 Và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021

Năm 2020, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, cùng với đó tác động của đại dịch covid-19 gây nên, ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp nói chung và tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều nói riêng. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc vụ vải năm 2019 UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm công tác sản xuất, chăm sóc vải thiều để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng cho vụ vải năm 2020; đồng thời, sớm chủ động dự báo, xây dựng kế hoạch và các kịch bản, phương án cụ thể cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

 Công tác chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước; sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan truyền thông; sự chung tay trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự nỗ lực, tâm huyết và kinh nghiệm sản xuất của người dân trồng Vải đã tạo nên một mùa vụ thành công nhất từ trước đến nay. Với chất lượng, sản lượng cao hơn, giá bán ổn định ở mức cao và doanh thu cho vụ vải đạt cao nhất từ trước đến nay, kết quả cụ thể:

Về Tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều

Tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.126 ha, sản lượng ước đạt 164.700 tấn (tăng so với năm 2019 khoảng 10.000 tấn), trong đó chín sớm vải sớm 2 6.000ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.126ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch từ ngày 10/5-10/6/2020; vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6-20/7/2020.

- Thị trường nội địa: Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 86.500 tấn, chiếm khoảng 52,5% tổng sản lượng tiêu thụ (tăng 22,8 % so với năm 2019). Vải thiều được tiêu thụ khắp cả nước, những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị (Big C, Mega Market, Saigon Co.opmart, Happro, Aeon, lotte, Vinmart…), Trung tâm thương mại, cửa hàng tiện 7 ích, chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn- TPHCM, Dầu Giây- Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng..) và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ...

- Thị trường xuất khẩu: Tổng sản lượng xuất khẩu ước đạt 78.200 tấn, chiếm khoảng 47,5% tổng sản lượng tiêu thụ (giảm 1,7% so với năm 2019). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước EU, Mỹ , Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, khu vực Trung Đông,… Trong đó:Thị trường Trung Quốc ước đạt 77.300 tấn, chiếm 98,8 %; các thị trường còn lại ước đạt 900 tấn, chiếm 1,2% sản lượng xuất khẩu.

- Về thương nhân, doanh nghiệp nước ngoài: Trước khi vào vụ, UBND tỉnh đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang thu mua vải thiều, trong đó đã có 127 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam và sau khi thực hiện cách ly y tế theo quy định đã được tiến hành tham gia giám sát và thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh phục vụ xuất khẩu quả vải sang thị trường Trung Quốc; 01 chuyên gia Nhật Bản sang tham gia khâu tuyển chọn vải thiều và thực hiện quá trình giám sát, đánh giá chất lượng quả vải trong quá trình bảo quản, xông hơi, khử trùng để tiến hành xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

- Mặc dù trước những diễn biến bất lợi do dịch Covid-19 gây ra, giá vải thiều vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức cao từ đầu vụ đến khi kết thúc. Tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.830 tỷ (tăng gần 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,3% so với năm 2019), trong đó: doanh thu từ vải thiều ước đạt 5.140 tỷ (tăng hơn 7,8% so với năm 2019), doanh thu từ các hoạt động phụ trợ ước đạt 1.690 tỷ (tăng hơn 5,9% so với năm 2019). Giá bán bình quân đạt 31.200 đồng/kg.

 Vải u hồng nhà ông Giáp được phân loại, đóng gói, vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM chiếu xạ kiểm tra, sau đó xuất sang Mỹ.
Vải u hồng được phân loại, đóng gói, vận chuyển bằng đường hàng không vào TP.HCM chiếu xạ kiểm tra, sau đó xuất sang Mỹ

Về công tác xúc tiến thương mại

- Năm 2020, trước những khó khăn, thách thức cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được kịp thời. Công tác chuẩn bị được lên kế hoạch sớm, tạo được thế chủ động ngay từ đầu vụ. Công tác hướng dẫn thông tin chính sách thị trường, hỗ trợ nhân dân chăm sóc vải thiều, đã được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Sản xuất vải thiều theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; kỹ thuật sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap được nhân dân áp dụng một cách khoa học và sáng tạo vào sản xuất.

- Công tác xúc tiến thương mại đặc biệt được chú trọng, quan tâm đổi mới phù hợp với bối cảnh thị trường có những diễn biến khó khăn, phức tạp. Do đó thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tiếp tục giữ được ổn định. Vị thế và uy tín quả vải thiều Bắc Giang ngày một nâng lên, giúp giá trị quả vải ngày một gia tăng, công tác tiêu thụ ngày càng thuận lợi.

- Sở Công Thương bám sát các Hiệp định FTA, AFTA, EVFTA... mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực để tham mưu với UBND tỉnh chương trình xúc tiến thương mại cụ thể cho từng thời điểm, từng thị trường, nhóm khách hàng cụ thể; Tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các cục, vụ, viện của Bộ Công Thương để chủ động tiếp cận, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng kênh tiêu thụ trong và ngoài nước. Thường xuyên cập nhật các chính sách về xuất nhập khẩu, các quy định tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng để phổ biến, hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp; Tổ chức hội thảo chuyên đề về bao bì, tem nhãn, đóng gói kết hợp với Chương trình OCOP của tỉnh để thúc đẩy sản xuất, thu hoạch, đóng gói sản phẩm nhằm gia tăng giá trị kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ.

- Các huyện có vải thiều bám sát Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm của tỉnh để phối hợp với các doanh nghiệp, các hợp tác xã chủ động triển khai đóng gói, bao bì, tem nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm, từng bước chủ động tổ chức xúc tiến và hướng tới xã hội hóa trong lĩnh vực này.

 - Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục thực hiện cụ thể hóa chương trình hợp tác tạo liên kết chuối từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước.

Quang cảnh hội nghị 

            Về thuận lợi và khó khăn

- Công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an... trong việc tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, thương nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam khảo sát, thu mua tiêu thụ vải thiều; sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang; sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan ngoại giao, tham tán kinh tế ở nước ngoài, như: tại Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.

 - Các tỉnh, thành phố bạn hỗ trợ tích cực, đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang trong suốt mùa vụ tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là: Tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai tạo điều kiện liên hệ kết nối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc; tạo điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông, thủ tục kiểm dịch, hỗ trợ bến bãi và các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho quả vải được xuất khẩu một cách thuận lợi nhất. Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh thành trên cả nước tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kết nối tiêu thụ vải thiều tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, ưu tiên cho xe vận chuyển vải thiều trên một số tuyến đường ở những khung giờ thích hợp và đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

 - Sự chung tay vào cuộc chủ động, tích cực và trách nhiệm của các cơ quan thông tin truyền thông trong việc thông tin khách quan, kịp thời, cập nhật tin tức, quảng bá quả vải thiều, giúp cho việc tiêu thụ vải thiều được thuận lợi. Đã có trên 100 kênh thông tin, báo đài, trang báo, cổng thông tin điện tử, cơ quan truyền thông của các tỉnh, thành phố, của Trung ương và Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… đã tích cực thông tin, quảng bá tích cực hình ảnh quả vải thiều Bắc Giang

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2021

  Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc vải thiều; duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh khoảng 28.000 ha, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGap, giữ nguyên diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGap ở những diện tích đã được cấp mã vùng, tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, sản xuất vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, coi đây là định hướng cho quả vải cho những năm tiếp theo. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại của mùa vụ năm 2020, sớm xây dựng kế hoạch sản xuất cho mùa vụ năm 2021

 Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, khó tính và tiềm năng. Tham mưu với UBND tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm kéo dài thời vụ, nâng cao giá trị kinh tế.

 Công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều: thực hiện đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ theo hướng kết hợp giữa hình thức trực tuyến và truyền thống, phù hợp với điều kiện, bối cảnh từng giai đoạn cụ thể; tăng cường công tác xúc tiến theo hướng xã hội hóa, kết hợp giữa nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều, các doanh nghiệp, HTX thực hiện.

 Phát triển thị trường tiêu thụ: Mở rộng, phát triển thị trường nội địa, tạo sức tiêu thụ ổn định, phấn đấu năm 2021 giữ ở mức tỷ trọng chiếm 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Ngoài các kênh phân phối hiện đại và thị trường truyền thống có sức tiêu thụ lớn, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ, đưa quả vải đến những khu vực vùng sâu, vùng xa trên cả nước.

Tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thúc đẩy tăng dần sản lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào những năm tiếp theo, theo hướng đa dạng thị trường, giảm thiểu nguy cơ và tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời xác định các thị trường đều có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc như nhau. Từ đó triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều sang các thị trường mới; chú trọng vào xuất khẩu vải thiều đóng gói, chế biến có giá trị gia tăng cao.

 Các sở ban ngành đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ chuyên môn gắn vai trò, trách nhiệm của ngành để hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất và tiêu thụ vải thiều. UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020; cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019 - 2025 và Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; làm tốt công tác quản lý thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân

Nghiêm khắc phục tình trạng trừ lùi cân ép giá, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý, chỉ đạo. Tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc xây dựng uy tín địa phương, thương hiệu vải thiều bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Triển khai thí điểm kết hợp sản phẩm du lịch sinh thái gắn với mùa thu hoạch vải thiều và các sản phẩm nông sản khác tới toàn cầu

Trung tâm KC&XTTM – Tổng hợp

 

638 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
988 Sản phẩm được trưng bày
23141068
Lượt truy cập