Sàn giao dịch TMĐT

Bắc Giang

"Trẻ hóa" những đồi chè 

Chè là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho người dân Yên Thế. Để giúp bà con ngày càng gắn bó với cây chè, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đã và đang được thực hiện, góp phần cải tạo, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
"Trẻ hóa" những đồi chè

Giống mới, chất lượng cao

Đến huyện Yên Thế dịp này thấy những nương chè xanh mướt trải dài làm dịu bớt cái nắng oi bức ngày hè. Cây chè nơi đây phần lớn được trồng từ những năm 1980 nên nhiều diện tích già cỗi, năng suất, chất lượng giảm. 

Khắc phục tình trạng này, từ năm 2010, Dự án “Ứng dụng tiến bộ  kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống chè mới và chế biến an toàn tại huyện Yên Thế” do Công ty TNHH Hiệp Thành, xã Tam Tiến (Yên Thế) chủ trì thực hiện tại các xã: Canh Nậu, Đồng Vương, Phồn Xương, Đồng Tiến, Đồng Tâm, Tam Tiến, Hồng Kỳ, Xuân Lương. 

Đến nay có khoảng 100 ha chè già cỗi được cải tạo, 120 ha được trồng mới, mỗi năm cung cấp 100 vạn cây giống sản xuất bằng phương pháp vô tính; năng suất tăng 50 kg búp tươi/sào/năm so với trước. 

Hơn 500 hộ được hưởng lợi từ chương trình, nhiều giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, PH1 và TRI777 đưa vào sản xuất đại trà thành công. Qua đó nâng tổng diện tích chè toàn huyện từ 230 ha lên 500 ha. 

Để mở rộng diện tích sản xuất chè, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, xóa đói giảm nghèo, UBND huyện hỗ trợ kinh phí với mức 10 triệu đồng/ha để trồng và chăm sóc chè trồng mới; 5 triệu đồng/ha cải tạo nương chè già cỗi”. 


Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân,Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế
Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lương Ninh Quảng Nghiệp, đến nay toàn xã có gần 300 ha, chiếm 60% tổng diện tích chè toàn huyện. Bình quân mỗi hộ trồng từ 3-4 sào. Nhờ ứng dụng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống mới và chế biến an toàn nên nhiều hộ tham gia. Ví như ở bản Ven hiện có 20 hộ dân, diện tích hơn 10 ha thuộc dự án. Chè cho năng suất cao, bảo đảm chất lượng, thu nhập đạt 10-15 triệu đồng/hộ/tháng. 

Ông Hoàng Văn Tùng, người dân bản Ven cho biết: “7 sào chè của gia đình trước kia năng suất thấp vì cằn cỗi, nhiều diện tích không cho thu hoạch. Khoảng 5 năm trở lại đây, từ các dự án của nhà nước, tôi được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất sạch, cấp giống để cải tạo, trồng mới nương chè. Nhờ đó, chè luôn xanh tốt, cho năng suất gấp gần 2 lần, tiêu thụ thuận lợi. Mỗi năm cho thu 7-8 lứa cho lãi hơn 100 triệu đồng”. Tại xã Tam Tiến, hơn 5 ha chè già cỗi cũng được cải tạo thành công, mang lại thu nhập cao cho bà con.  

Giữ vững thương hiệu

Chè là một trong 6 cây trồng, vật nuôi hàng hóa chủ lực được UBND huyện Yên Thế xác định tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho chè bản Ven giúp xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Đến thời điểm này, ngoài ở bản Ven, chè đã được trồng khoảng 200 ha tại các xã: Canh Nậu, Đồng Vương, Phồn Xương, Đồng Tiến, Đồng Tâm, Tam Tiến, Hồng Kỳ, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/hộ/tháng. 

Để diện tích chè mở rộng bền vững, hằng năm, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ giống, vốn, vật tư, máy sấy chè cho các hộ nghèo sản xuất; mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình sạch. UBND huyện vừa thông qua đề án “Nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hóa huyện Yên Thế giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, huyện chỉ đạo tập trung trồng mới và thay thế diện tích chè bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. 

Chuyển hướng sản xuất sang quy trình trồng thâm canh bằng phương pháp VietGAP, hỗ trợ bà con xây dựng mô hình tưới tiết kiệm bằng công nghệ nhỏ giọt. Chế biến chè theo quy trình truyền thống của người Cao Lan để nước xanh và có mùi thơm đặc trưng giúp tăng tính cạnh tranh. 

Theo đồng chí Lưu Xuân Vượng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Yên Thế, huyện phấn đấu đến năm 2020 trồng mới hơn 200 ha chè, nâng tổng diện tích canh tác lên 700 ha với giống chè chủ lực là Kim Tuyên, PH8, PH9, LDP1, LDP2… Huyện chú trọng lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng vùng sản xuất tập trung chất lượng cao với quy mô từ 2-3 thôn bản liền kề trở lên tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư chăm sóc, chế biến và tiêu thụ. Đây là một trong những biện pháp giúp các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Hiện nay, chè Yên Thế đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhưng việc giữ thương hiệu rất khó vì phần lớn người dân vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công. Hiện mới có HTX Thân Trường làm theo đúng quy trình VietGAP. Do đó các cơ quan chuyên môn của huyện đang vận động bà con chú trọng nâng chất lượng sản phẩm chè, cam kết áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Cùng với đó, huyện có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình mức 20 triệu đồng/nhãn hiệu. UBND các xã cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc dồn đổi ruộng, chuyển đổi chân ruộng cao cho thu nhập thấp sang trồng chè, vận động người dân thành lập tổ, nhóm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật giúp nhau sản xuất.

 

 Báo Bắc Giang

1093 Go top

SÀN GIAO DỊCH Thương mại điện tử Bắc Giang
410 Gian hàng Đã tham gia
987 Sản phẩm được trưng bày
21881980
Lượt truy cập